Ngày 13/9, tại Hà Nội, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp với Chương trình "Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam" (Aus4Reform) tổ chức hội thảo tuyên truyền phổ biến Luật Cạnh tranh Việt Nam 2018.

Luật Cạnh tranh 2018: Đủ sức răn đe làm lành mạnh thị trường? - Hình 1

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh tại Hội thảo phổ biến Luật Cạnh tranh 2018, do cục này tổ chức ngày 13/9

Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Luật Cạnh tranh 2018 có rất nhiều điểm mới, tiến bộ so với Luật Cạnh tranh năm 2004 năm 2014, bởi được xây dựng dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý.

Nội dung được coi cơ bản nhất là sửa đổi, bổ sung hành vi bị cấm đối với cơ quan Nhà nước, các quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và quy định về chính sách khoan hồng. Ngoài ra, Luật Cạnh tranh 2018 còn bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường, Hoàn thiện các quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh....

Luật Cạnh tranh 2018: Đủ sức răn đe làm lành mạnh thị trường? - Hình 2

Luật Cạnh tranh 2018 đưa ra nhiều chế tài làm lành mạnh thị trường

Đáng chú ý, Luật quy định tổ chức lại cơ quan cạnh tranh để tăng cường hiệu quả thực thi với quy định thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trên quan điểm tổ chức lại các cơ quan cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh năm 2004 Đây là điểm mới quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi của cơ quan cạnh tranh. Mô hình Ủy ban Cạnh tranh quốc gia theo Luật Cạnh tranh 2018 được thiết kế phù hợp với xu hướng chung của thế giới đồng thời giúp thu giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với bối cảnh kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Theo bà Trần Phương Lan, Trưởng Phòng Giám sát chính sách cạnh tranh, luật mới quy định việc ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể cùng việc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước bị xem là vi phạm Luật. Hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trên thị trường hay lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh... là hành vi bị cấm.

Đánh giá về luật mới, các chuyên gia trong ngành nhấn mạnh, Luật Cạnh tranh 2018 đã có sự hoàn thiện hơn về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh; phân biệt rõ ràng giữa các khâu, mỗi khâu gắn với trách nhiệm rõ ràng của các bên tham gia… bảo đảm sự rõ ràng và minh bạch của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều hành vi vi phạm được quy định cụ thể và với mức xử phạt khá chặt chẽ, nghiêm minh, thậm chí có thể chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự, tức là có đủ “sức” răn đe…

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, những quy định rõ ràng, chặt chẽ về trách nhiệm hay quy định xử phạt hành vi vi phạm một cách cụ thể, nghiêm minh như vậy sẽ góp phần phát huy tối đa Luật Cạnh tranh 2018 trong thực tiễn, góp phần làm trong sạch, lành mạnh môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5 ngày 12/6/2018 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.

Hằng Vương