Theo kế hoạch, sáng nay 03/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Ảnh quochoi.vn
Ảnh quochoi.vn

Huy động nguồn lực đất đai cho sự phát triển của đất nước rất quan trọng, đặc biệt ở các nước phát triển trung bình như Việt Nam. Theo nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), khi sửa đổi Luật Đất đai một cách đồng bộ với các pháp luật có liên quan sẽ trở thành giải pháp quan trọng để có thể khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - đoàn Hà Nội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ, ông đặc biệt quan tâm đến hai nội dung cốt lõi, là linh hồn của dự thảo Luật Đất đai mà vấn đề này cũng đang còn ý kiến khác nhau và cần những đổi mới đột phá. Đó là vấn đề hành chính đất đai và tài chính đất đai.

Về hành chính đất đai liên quan đến các nội dung như: Quy hoạch, thủ tục hành chính trong việc chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất… Về tài chính đất đai liên quan tới vấn đề giá đất, địa tô chênh lệch, kiểm soát giá của quyền sử dụng đất.

“Giá của quyền sử dụng đất đai rất quan trọng vì nó liên quan đến sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, không phải giá đất càng cao càng tốt, không phải Nhà nước thu được càng nhiều càng tốt trong việc cho thuê, hay chuyển giao quyền sử dụng đất mà giá đất phải hợp lý để đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong cạnh tranh quốc tế”, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, việc sửa đổi Luật Đất đai phải xuất phát từ nhu cầu thể chế hóa đường lối của Đảng, đồng thời đảm bảo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, từ cuộc sống của người dân. Do đó, cần tiếp cận một cách tổng thể trong quá trình xây dựng và sửa đổi dự thảo Luật.

Ảnh internet.
Ảnh internet.

“Tôi đặc biệt quan tâm tới vấn đề thu hồi đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp chuyển sang công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị. Hiện nay, Nghị quyết của Trung ương có yêu cầu Nhà nước sẽ thu hồi đất đối với những dự án phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Những dự án nào được coi là dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng thì đang còn nhiều ý kiến khác nhau”, đại biểu Lộc nói.

Liên quan tới dự án nào được coi là dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng, GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, một dự án đã triển khai để thực hiện quy hoạch được Nhà nước phê duyệt phát triển kinh tế xã hội nói chung và dự án đấy lại được một cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp nhận đầu tư thì dự án này sẽ mang lại lợi ích chung chứ không phải mang lại lợi ích cho một cá nhân. Như vậy, đó là dự án được đưa vào đối tượng thu hồi đất.

“Tuy nhiên, thu hồi đất không có nghĩa là chúng ta đã tước đoạt quyền lợi của người có đất vì thu hồi đất luôn luôn đi kèm theo đó là bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bù đắp lại những thiệt hại của những người có đất bị thu hồi. Ngoài phần bồi thường đó, phải hỗ trợ thêm để người ta có được nơi tái định cư tốt hơn. Khi thực hiện thu hồi đất, phải mang lại lợi ích của những người bị thu hồi đất đảm bảo hơn so với chủ đầu tư tự thoả thuận, bởi chủ đầu tư tự thoả thuận chỉ đền bù ngang với giá trị thiệt hại do người có đất bị thu hồi”, đại biểu Cường phân tích.

Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Luật Đất đai sửa đổi và Nghị quyết 18 cũng nêu rõ đền bù, hỗ trợ tái định cư phải làm sao để cho người được đền bù có nơi ở tối thiểu phải bằng hoặc tốt hơn. Như vậy, muốn bằng và tốt hơn thì khi bồi thường phải đảm bảo bù đắp được hết các chi phí của họ.

“Trước đây, khung giá, bảng giá của Luật đất đai cũ đã rất lạc hậu, thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Khi bồi thường lại dựa vào bảng giá khung giá làm cơ sở nên giá bồi thường nó thấp. Tuy nhiên, Luật đất đai sửa đổi không còn khung giá; bảng giá phải được cập nhật hằng năm và phải sát với thị trường, khi bồi thường chúng ta lại dựa trên kịch bản để tính ra giá thực tế tại thời điểm bồi thường”, đại biểu đoàn TP. Hà Nội cho biết, đồng thời kỳ vọng “Chúng ta thực hiện đúng luật thì sẽ không còn chuyện là giá bồi thường cho người bị thu hồi thấp như những năm vừa qua”.

Đại biểu Hoàng Anh Công, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng, thời gian vừa qua, các dự án về tái định cư, bồi thường hỗ trợ tái định cư, nhất là các dự án tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi không đáp ứng được yêu cầu.

Đại biểu Hoàng Anh Công, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên
Đại biểu Hoàng Anh Công, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

“Chúng ta yêu cầu ít ra phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ nhưng thực tế ra thì chưa đáp ứng được yêu cầu đó”, đại biểu Hoàng Anh Công thẳng thắn.

Một trong những lý do được đại biểu nêu ra đó là sự chuẩn bị chưa kỹ càng, vội vàng trong việc triển khai dự án mà không tính đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. “Khi có đất bị thu hồi, họ chính là người đóng góp đất để cho dự án thành công nhưng họ chính là người bị thiệt hại nhất”, đại biểu Công nêu thực tế.

Theo đại biểu tỉnh Thái Nguyên, trong Luật đất đai sửa đổi lần này đã đưa ra quy định rất cụ thể, đối với những dự án có đất bị thu hồi mà cần phải tái định cư thì phải tái định cư trước, đáp ứng được đời sống người dân xong mới thu hồi đất. Thứ hai, có phương án nữa là những dự án thu hồi đất tái định cư trước để đảm bảo cho đời sống người dân ổn định.  

“Yên dân là cái quan trọng đầu tiên, dự án có thành công hay không, có đem lại hiệu quả cho xã hội không, cho đất nước hay không là phải yên dân đã. Những người dân đóng góp đất đai, hy sinh vào đất đai của mình để cho dự án thì các chủ đầu tư các dự án phải coi đó là những ân nhân của mình để quan hệ thật tốt, làm thật tốt cho người ta chứ bây giờ thì quan điểm hiện nay của các chủ đầu tư cũng chưa đúng. Thu hồi đất tùy tiện dẫn đến chuyện người dân oán thán khiếu nại, tố cáo kéo dài. Điều này cần phải chấn chỉnh”, đại biểu Hoàng Anh Công nhấn mạnh.