Luật Xây dựng hiện hành còn bộc lộ nhiều hạn chế, tạo lỗ hỗng ảnh hưởng đến chất lượng các công trình, hiệu quả trong đầu tư xây dựng. Vốn đầu tư xây dựng chiếm tới 80% vốn đầu tư của xã hội nhưng việc đầu tư trong thời gian qua còn tự phát, mang tính phong trào, dàn trải, thiếu quy hoạch vùng, thiếu kế hoạch gây ra hậu quả lớn như nợ đọng…


Theo TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, sau khi Luật xây dựng ban hành đã có nhiều luật liên quan được ban hành hoặc sửa đổi bổ sung, trong đó có bổ sung hoặc điều chỉnh một số quy định trong Luật Xây dựng, một số quy định không thống nhất, mâu thuẫn lẫn nhau. Thực chất, công tác đầu tư xây dựng thời gian qua còn thiếu chế tài như quy định trách nhiệm của các chủ thể, quản lý đồng bộ công tác xây dựng, phân công, phân cấp chưa gắn với năng lực rõ ràng.

Ông Nghiêm kiến nghị, Luật Xây dựng (sửa đổi) cần có chương quy hoạch xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ; bổ sung thêm phần quản lý xây dựng nông thôn mới, khu chức năng đô thị. Không nên có quy hoạch vùng xây dựng liên tỉnh, tích hợp trong quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, giảm bớt khó khăn cho cơ quan quản lý…

Ông Trần Ngọc Hùng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thì cho rằng, mặc dù chúng ta đã xây dựng rất nhiều luật, cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều biện pháp tăng cường quản lý. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là đầu tư xây dựng kém hiệu quả; do đầu tư xây dựng dàn trải, nhiều công trình chất lượng kém, thời gian kéo dài, gây lãng phí, thất thoát rất lớn.

Theo ông Hùng, nguyên nhân quan trọng là do các luật liên quan đến đầu tư xây dựng còn chồng chéo, mâu thuẫn, không thống nhất. Nhiều quy định không phù hợp với thực tiễn, thủ tục đầu tư nặng cơ chế xin - cho, thiếu công khai minh bạch, quy định phân cấp quản lý đầu tư còn chưa phù hợp, thiếu cơ chế kiểm soát, quản lý nhà nước thiếu hiệu quả.

Chế tài và việc thực hiện chế tài không nghiêm dẫn tới hiệu quả đầu tư thấp, đặc biệt từ nguồn vốn nhà nước gây ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế và hiệu quả xã hội.

“Cần quy định rõ nội dung thanh tra chuyên ngành, quyền hạn, nhiệm vụ chung về hoạt động đầu tư xây dựng với thanh tra của các Bộ, ngành được phân công. Hơn nữa, cần có các quy định chế tài, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm của các chủ thể, kể cả các cơ quan quản lý nhà nước liên quan”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) lần này tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng; Thống nhất quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng thông qua việc cấp giấy phép xây dựng, đảm bảo sự bình đẳng giữa các đối tượng được xét cấp giấy phép xây dựng và công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục cấp giấy phép; Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng trên cơ sở quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư từ nguồn vốn nhà nước.

Tuyết Hoa