Đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam trao bằng công nhận di sản thiên nhiên thế giới của UNESCO
Đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam trao bằng công nhận di sản thiên nhiên thế giới của UNESCO

Tham dự đêm hội có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh Quảng Ninh,…

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng năm 2024 có dấu ấn đặc biệt, bởi thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh cùng nhau đón nhận Quyết định của UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, là di sản liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.

Đồng chí Trần Lưu Quang, Phó thủ tướng Chính phủ tặng hoa
Đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ tặng hoa chúc mừng

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết: Hiện nay, Hải Phòng đã có 132 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được công nhận  là di sản văn hóa quốc gia, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt; có 21 bảo vật quốc gia được công nhận, được xếp trong tốp đầu của cả nước.

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, Hải Phòng rất coi trọng giá trị văn hóa và đời sống tinh thần của người dân, vì văn hóa là động lực và là mạch nguồn của sự phát triển.

Truyền thống lịch sử - văn hóa - con người Hải Phòng, cùng với những di sản văn hóa đã được vinh danh sẽ là tiền đề, là động lực quan trọng để thành phố phấn đấu đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và thực sự “trở thành động lực phát triển của cả nước”.

Một số hình ảnh tại đêm hội
Một số hình ảnh tại đêm hội
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phát biểu tại đêm hội
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phát biểu tại đêm hội

Với chủ đề "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản", Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng năm 2024 là dịp tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố cảng “Trung dũng, quyết thắng” trong hiện thực hóa định hướng phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI.

Trong đó nhấn mạnh định hướng “Phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước với trọng tâm là phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dự án du lịch, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển, đảo, các di tích lịch sử, văn hoá” là một trong ba đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Lễ hội cũng là dịp để tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của thành phố Hải Phòng
Lễ hội cũng là dịp để tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của thành phố Hải Phòng

Lễ hội cũng là dịp để tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của thành phố Hải Phòng - thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, trung tâm vùng đồng bằng Duyên hải, là đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, có vai trò đặc biệt quan trọng trong liên kết và phát triển kinh tế đối ngoại của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và phía Bắc; vai trò quan trọng trong cực phát triển tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hải Phòng có đủ điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp nhận các thành tựu khoa học, kỹ thuật của thế giới.

Đặc biệt, Hải Phòng còn là thành phố có bề dày truyền thống lịch sử và chiều sâu văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý báu với 555 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di sản thiên nhiên thế giới, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 119 di tích quốc gia, 434 di tích  thành phố, 21 bảo vật quốc gia và 11 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, tiêu biểu như: Lễ hội Nữ tướng Lê Chân, Lễ hội chọi Trâu Đồ Sơn , Lễ hội Xa Mã - rước kiệu đình Hoàng Châu, Lễ hội Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lễ hội Từ Lương Xâm, Lễ hội Minh Thề, Lễ hội Ngũ Linh Từ, Hát Đúm; Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa rối nước xã Nhân Hòa”.

Đêm hội “Hải Phòng – Bừng sáng miền di sản” đã thu hút hàng vạn người dân và du khách
Đêm hội “Hải Phòng – Bừng sáng miền di sản” đã thu hút hàng vạn người dân và du khách

Đêm hội “Hải Phòng – Bừng sáng miền di sản” đã thu hút hàng vạn người dân và du khách. Ngay từ 19 giờ, toàn bộ khu khán đài có sức chứa 18.000 người đã chật kín. Giờ khai mạc đêm hội đến, một cảnh tượng lung linh huyền ảo hiện lên bởi tổng thể sân khấu là bông hoa phượng khổng lồ bừng nở. Các cánh phượng được uốn tạo hình vươn lên, khớp với các tòa nhà công trình hiện đại của Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố tại Khu đô thị Bắc sông Cấm, khẳng định giá trị, vị thế của Hải Phòng ở thời điểm hiện tại cũng như tầm nhìn của thành phố trong tương lai.

Công nghệ AR (Augmented Reality - thực tế ảo) được sử dụng kết hợp yếu tố “thực cảnh” với nhiều thủ pháp thể hiện mới như chuyển động sân khấu 360, thay đổi hình ảnh liên tục trên các không gian tương hỗ chung quanh, dàn dựng được nhiều lớp diễn viên trên sân khấu trong những phần hoạt cảnh...

Chương trình lan tỏa hình ảnh đẹp lung linh, kiêu hãnh của miền di sản bằng ánh sáng Lighting performance lighting show lập trình kết hợp với laser, công nghệ visual 3D... tạo làn gió mới trong cách tiếp cận và biểu đạt, thu hút sự theo dõi của khán giả. Trên sân khấu, các tiết mục nghệ thuật diễn ra uyển chuyển, hoành tráng với sự quy tụ của dàn nghệ sĩ, ca sĩ hàng đầu Việt Nam, gồm các NSND Khánh Hòa, Thanh Lam, nghệ sĩ Tùng Dương, Phương Linh, Phạm Thu Hà, Issac, Hòa Minzy, Erik... cùng gần 1 nghìn nghệ sĩ, diễn viên. Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, mang những tiết mục mãn nhãn, truyền tải thông điệp về vẻ đẹp di sản, con người và sự phát triển của Hải Phòng. Chương trình nghệ thuật đêm hội diễn ra trong khoảng 1,5 giờ, gồm 3 trường đoạn nghệ thuật.

Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, mang những tiết mục mãn nhãn, truyền tải thông điệp về vẻ đẹp di sản, con người và sự phát triển của Hải Phòng
Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, mang những tiết mục mãn nhãn, truyền tải thông điệp về vẻ đẹp di sản, con người và sự phát triển của Hải Phòng

Kết lại là tiết mục nghệ thuật “Bừng sáng miền cửa biển” do tác giả Huy Tuấn sáng tác mới, dành riêng cho Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 cùng với những thông điệp của lễ hội và màn bắn pháo hoa tầm cao xen với tầm thấp diễn ra trong 15 phút, rực sáng trên bầu trời Hải Phòng về đêm, in bóng xuống dòng sông Cấm giữa lòng thành phố.

Chương trình nghệ thuật “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” lần đầu sử dụng 3 hình tượng, mỗi hình tượng đại diện cho 1 chương: “Ánh trăng huyền thoại”, “Hải đăng Long Châu” và “Mặt trời khát vọng”. Cả 3 hình tượng này đều thể hiện một thông điệp quan trọng là “Ánh sáng nội sinh”, khẳng định giá trị của Hải Phòng nói chung, của mỗi người Hải Phòng nói riêng. Đêm hội “Hải Phòng – Bừng sáng miền di sản” khép lại đã truyền tải thông điệp về vẻ đẹp di sản, con người và sự phát triển của thành phố Hải Phòng đến với người dân thành phố và bạn bè muôn phương.

Bên cạnh chương trình đêm hội “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản”, còn có 26 sự kiện tiêu biểu và 78 hoạt động hưởng ứng về kinh tế (khởi công, khánh thành...), hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, du lịch diễn ra tại khu vực dải Trung tâm thành phố, Khu đô thị Bắc sông Cấm, Trung tâm các quận, huyện ngay từ những ngày cuối tháng 3/2024 và tập trung cao vào tháng 5.

Quỳnh Nga(t/h)