Cụ thể, trong 15 ngày đầu tháng 8/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 95,17 nghìn tấn, trị giá 41,62 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 0,9% về trị giá so với 15 ngày cuối tháng 7/2021; so với 15 ngày đầu tháng 8/2020 tăng 17,5% về lượng và tăng 41,4% về trị giá. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/8/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,86 triệu tấn, trị giá 725,99 triệu USD, tăng 12,1% về lượng và tăng 26,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn chủ yếu của Việt Nam. 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gần 1,65 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 636,02 triệu USD, tăng 14,2% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong mấy tháng gần đây, Trung Quốc có xu hướng giảm nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam, trong khi tăng nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia.
Điều này cho thấy tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh tại thị trường Trung Quốc. Lượng tiêu thụ của thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm gây ra nhiều khó khăn cho các nhà máy sắn Việt Nam.
Tại thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, từ đầu tháng 8/2021 đến nay, giá sắn nguyên liệu tại các vùng không có nhiều biến động, nhiều nhà máy sản xuất tại Tây Ninh vẫn ngừng hoạt động, nguồn cung sắn khan hiếm do ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội. Xuất khẩu tinh bột sắn thấp do nhu cầu của Trung Quốc vẫn chậm. Trong khi đó, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhiều diện tích sắn trồng mới tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên bị héo hoặc chết khô.
Hà Trần