Nhiều ngân hàng tăng mức lãi suất kỳ hạn tiền gửi từ ngày 25/10
Lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn của Sacombank tăng thêm khoảng hơn 1 điểm phần trăm. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,8%/năm lên 7%/năm, và lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 6,3%/năm lên 7,3%/năm.
Lãi suất tiền gửi trực tuyến tăng thêm khoảng 0,5 điểm phần trăm so với gửi tại quầy. Lãi suất kỳ hạn 1-6 tháng đồng loạt tăng lên mức 6%/năm - mức kịch trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn, lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng lên khoảng 0,1 - 0,5 điểm phần trăm, đạt mức 7,5%/năm.
Với khoản tiền gửi từ 10 - 300 triệu đồng, ngân hàng VIB nâng lãi suất huy động lên mức 5,9% cho kỳ hạn một tháng - sát mức trần huy động. Trước đó, hồi đầu tháng 10, mức lãi suất này là 5%. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng từ 6,4%/năm lên 6,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 13 tháng khi gửi tại quầy tăng từ 6,95%/năm lên 7,95%/năm, và gửi trực tuyến thì mức lãi suất cộng thêm là 0,2-0,3%/năm.
So với kỳ điều chỉnh trước, lãi suất của SeaBank tăng khoảng 0,8 - 1,3 điểm phần trăm. Lãi suất kỳ hạn 01 tháng tăng từ 4,7% lên 5,7%/năm và 06 tháng là 6,7%/năm, 12 tháng là 6,9%/năm.
Với ngân hàng OCB, lãi suất kỳ hạn 01 tháng điều chỉnh đạt mức 5,7%/năm, kỳ hạn 06 tháng đạt 6,8%/năm - tăng 80 điểm cơ bản so với mức trước đó. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng lên 7,5%/năm thay vì 6,7%/năm như trước đó.
Mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng KienlongBank tăng thêm 50 điểm cơ bản, đạt mức 7,5%/năm.
Áp lực lãi suất trên thị trường tiền gửi tăng cao
Việc điều chỉnh lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng với mức tăng đa phần lên kịch trần, đến 1 điểm phần trăm, của nhiều ngân hàng quy mô nhỏ tạo ra áp lực lên việc tăng lãi suất trên thị trường với các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn của các ngân hàng lớn. Dù cho hiện tại, các ngân hàng quy mô lớn có ưu thế về tiền gửi vẫn chưa có động thái điều chỉnh lãi suất, hay trước đó đã tăng mạnh hồi đầu tháng 10.
Trong đợt điều chỉnh lần này, lãi suất kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng cũng như lãi suất tham chiếu cho việc tính lãi suất cho vay cũng được nhiều ngân hàng tăng lên, báo hiệu cho đợt điều chỉnh lãi vay trong thời gian tới.
Sau động thái tăng trần lãi suất huy động thêm 1 điểm phần trăm và lãi suất điều hành của ngân hàng nhà nước thì dù mới tăng biểu lãi suất hồi đầu tháng 10, các ngân hàng vẫn tiếp tục điều chỉnh vào cuối tháng.
Đã có 27/29 ngân hàng thương mại tăng lãi suất sau quyết định nâng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn hồi cuối tháng Chín, ước tính của Công ty chứng khoán BVSC. Theo những theo dõi của BVSC, nếu chỉ tính đến cuối tháng Chín, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân tăng 45 điểm cơ bản trong tháng 9, tăng 92 điểm so với cùng kỳ còn lãi suất kỳ hạn 06 tháng bình quân tăng 107 điểm so với cùng kỳ, là 6,03%/năm.
Công ty chứng khoán này cũng đánh giá rằng Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng cao kỷ lục, lên đến 133.527 tỉ đồng, sau ba tuần liên tiếp bơm ròng trên thị trường mở, với tổng lượng hút ròng. Vậy nhưng lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 01 tuần và 02 tuần tiếp tục hạ nhiệt, lần lượt ở mức 4,04% 4,92% và 5,09%/năm.
Hành động rút ròng của Ngân hàng Nhà nước được Công ty Chứng khoán SSI đánh giá là để cải thiện thanh khoản trên hệ thống ngân hàng, đẩy mặt bằng lãi suất tiền đồng liên ngân hàng và tạo khoảng cách an toàn với lãi suất đô la.
Lãi suất điều hành đã được Ngân hàng Nhà nước tăng thêm khoảng 100 điểm cơ bản, trước kỳ họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 11 tới và áp lực tỷ giá gia tăng khi các yếu tố trong và ngoài nước đều không thuận lợi. SSI đánh giá, mặt bằng lãi suất và cho vay có thể sẽ tiếp tục tăng thêm 50-100 điểm cơ bản nữa về cuối năm.
Báo cáo của báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy thanh khoản trong ngân hàng hiện vẫn còn căng thẳng và tỷ giá tiếp tục chịu áp lực tăng. VDSC dự báo, trong hai tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh tăng thêm 0,5-1 điểm phần trăm lãi suất điều hành do hiện tại đây là công cụ “khả dĩ nhất” để giảm áp lực tỷ giá.
Như vậy, mặt bằng lãi suất huy động của các thị trường tiền gửi sẽ tiếp tục chịu áp lực trong thời gian tới.
Hồng Nhung (t/h)