Lãi suất huy động của các hệ thống ngân hàng trong 01 tháng trở lại đây có dấu hiệu tăng. Một số ngân hàng thương mại thậm chí đã huy động tiền gửi tới gần 9%/năm làm kéo theo tình trạng lãi suất cho vay cũng tăng theo. Trước động thái của các ngân hàng trong thời gian gần đây, việc các doanh nghiệp huy động nguồn vốn để thực hiện sản xuất trong mùa cao điểm cuối năm là một thách thức lớn.
Theo nhiều doanh nghiệp, cuối năm nhu cầu sản xuất tăng, phải có dòng tiền lưu thông tốt nhưng nguồn lực không phải lúc nào cũng đủ. Trước khi thu được lợi nhuận, các nhà đầu tư phải chi một khoản lớn để mua nguyên liệu sản xuất. Nghĩa là, chỉ một trong những khâu này xảy ra trục trặc, dòng tiền bị ngắt quãng thì cả dây chuyền sẽ bị ảnh hưởng. Bởi lẽ này mà nguồn vốn của ngân hàng là kênh tiếp sức quan trọng với các doanh nghiệp.
Bà Bùi Tuyết Mai, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Máy Thép Việt bộc bạch: "Từ tháng Tám năm 2022 tới nay, lãi suất tăng từ 1 - 1,5%. Với đơn vị đó là áp lực. Vì là nghiên cứu chế tạo nên dòng lợi nhuận của đơn vị chúng tôi rất là thấp, nó chỉ chiếm đâu đó cao nhất là 15%".
Thực tế, khách thường đặt cọc thấp, phần cọc chỉ khoảng 10-20% giá trị hợp đồng nên nguồn vốn của chủ sở hữu càng phải mạnh để đảm bảo công tác sản xuất được thuận lợi. Và để đảm bảo hoạt động sản xuất, doanh nghiệp luôn phải vay 50% vốn từ ngân hàng.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh bày tỏ: "Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách dành cho từng ngành, từng đối tượng. Đặc biệt là những ngành thiết yếu phục vụ cho đông đảo người dân, để duy trì gói hàng hóa nó ổn định và có được cái giá thật tốt. Tôi cho rằng nên duy trì cái lãi suất cũ và chỉ áp dụng lãi suất mới khi đã qua cái đợt sản xuất phục vụ Tết Nguyên Đán".
Để chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, các ngân hàng đã kịp thời có những giải pháp thiết thực. "Có 2 định hướng mà Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện. Đó là tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất gắn với việc giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý, chia sẻ lợi nhuận. Thứ hai là các ngân hàng thương mại tập trung thực hiện tốt các chương trình tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, như giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ cũng như thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi cho một số ngành động lực kinh tế", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết.
NHNN chi nhánh TP. HCM cũng hy vọng với sự triển khai đồng bộ các chính sách vay vốn sẽ giữ được sự ổn định lãi suất cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Hồng Nhung (t/h)