Tìm kiếm giải pháp mới đẩy nhanh năng suất lao động
Theo ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch HĐQT Việt Tiến: Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến khó lường, ngành dệt may Việt Nam nói chung và Việt Tiến nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thị trường xuất khẩu cũng như thị trường nội địa sụt giảm khi sức mua người tiêu dùng giảm mạnh, thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu, chi phí tăng… Trước bối cảnh đó, HĐQT, CQĐH Việt Tiến xây dựng tầm nhìn, giải pháp điều hành và quản trị linh hoạt, nhạy bén nhằm vượt qua khó khăn và ngày càng phát triển bền vững.
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Tiến – Tổng giám đốc Tổng Công ty CP May Việt Tiến cho biết: Năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn, không chỉ nguồn cung nguyên phụ liệu bị gián đoạn mà thị trường xuất khẩu cũng bị đứt đoạn, đơn hàng giảm mạnh, thậm chí nhiều đơn hàng bị hủy khiến kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sụt giảm mạnh, nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ nhân viên, Tổng Công ty CP May Việt Tiến đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu về hoạt động SXKD theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và HĐQT đã đề ra. Cụ thể: Doanh thu đạt 7.118,6 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch, đạt 78,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 170,7 tỷ đồng, vượt 13,8%so với kế hoạch, đạt 44,8% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân người lao động đạt 9.549.000 đồng/ người/ tháng. Dự kiến chia cổ tức 20%.
Năm 2021, trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường, các nước vốn nhập khẩu số lượng lớn mặt hàng may mặc của Việt Nam trước đây hiện đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch cùng với số người mắc bệnh không ngừng gia tăng. Covid-19 đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng trên toàn cầu, giảm mạnh nhu cầu mặt hàng may mặc…Trước tình hình đó, HĐQT đã đưa ra các chỉ tiêu cho năm 2021 với các chỉ tiêu cụ thể sau: Tổng doanh thu là 8.090 tỷ đồng (tăng 14% so với thực hiện năm 2020). Lợi nhuận trước thuế là 180 tỷ đồng (tăng 5% so với năm 2020). Thu nhập người lao động đạt 10 triệu đồng/người/tháng, đảm bảo công ăn việc làm, đời sống người lao động.
Việt Tiến tiếp tục tìm kiếm giải pháp mới đẩy nhanh năng suất lao động, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, sắp xếp lại nhân sự cũng như mô hình quản lý, tổ chức sản xuất, cải tiến tiền lương, đầu tư chiều sâu, thay đổi công nghệ sản xuất mới… Áp dụng triệt để, toàn diện công nghệ Lean vào sản xuất, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hợp tác tốt với khách hàng. Xây dựng môi trường làm việc, văn hoá doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong toàn hệ thống Tổng công ty. Đồng thời, Việt Tiến kêu gọi toàn thể Cán bộ công nhân viên Tổng Công ty và các cổ đông cùng chung tay chia sẻ, đồng hành vượt qua khó khăn để đưa Tổng Công ty CP May Việt Tiến ngày càng phát triển.
Dự kiến trong năm 2021 tổng chi đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, trong đó đầu tư xây dựng cơ bản: 140 tỷ đồng, đầu tư máy móc thiết bị: 30 tỷ đồng, đầu tư góp vốn thành lập doanh nghiệp: 120 tỳ đồng, góp vốn thành lập Công ty TNHH Việt Thái Tech: 100 tỷ đồng và các đầu tư khác…
Covid - 19 đánh mạnh vào nội lực doanh nghiệp
Theo ông Bùi Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Việt Tiến: Sau 04 tháng giãn cách ứng phó với dịch bệnh Covid -19 lần thứ tư, Công ty cổ phần May Việt Tiến (Việt Tiến) đã chi 600 tỷ đồng để trả lương cho lao động. Đó là chưa kể chi phí vận hành nhà máy, điện, nước, bảo trì, test Covid -19…
Mặc dù đã rất nỗ lực, nhưng với phương án sản xuất 3 tại chỗ, công ty chỉ vận hành được 1/3 công suất, dẫn đến việc đáp ứng hợp đồng xuất khẩu chậm trễ, doanh nghiệp bị phạt do chậm giao hàng. Nhiều khách hàng nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam dịch chuyển sang các nhà cung cấp Nam Mỹ.
Đợt ứng phó dịch bệnh Covid -19 kéo dài vừa qua đã đánh mạnh vào nội lực doanh nghiệp. Nhiều chi phí phát sinh nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng đầu tư dù không hiệu quả như mong muốn.
Cho đến nay, người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành mũi 2 và mũi 1 vaccine Covid -19, tăng miễn dịch cộng đồng, nhưng các đơn vị sản xuất của Việt Tiến tại Bến Tre lại chưa được phủ vaccine. Vì vậy, giải pháp gốc rễ để doanh nghiệp cầm cự được vẫn là tiêm vaccine.
Tôi cũng cho rằng các tỉnh, thành phố của khu vực phía Nam cần đồng bộ giải pháp phủ đều vaccine để các mắt xích trong sản xuất được liền mạch.
Để doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì sản xuất sau thời gian dài cầm cự ứng phó dịch bệnh, các doanh nghiệp ngành dệt may nói chung, Công ty cổ phần May Việt Tiến nói riêng rất cần những chính sách hỗ trợ tài chính, vaccine, tạo thuận lợi trong vận chuyển mới có thể dần hồi phục như trước đây.
Nhận định về thị trường dệt may năm 2022, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: Thị trường thế giới sẽ tiếp tục phục hồi nhu cầu bằng năm 2019 (trước đại dịch Covid-19), đặc biệt ở các nước phát triển. Tuy nhiên, giá nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may như bông, xơ, sợi, vải tiếp tục xu thế tăng; logistics vẫn tăng giá cao sẽ là thách thức với doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, ông Trường cho rằng, nửa đầu năm 2022, các doanh nghiệp ngành dệt may sẽ vẫn phải thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đến khi việc tiêm vaccine phủ được 75% dân số và đạt mức miễn dịch cộng đồng. Nhờ vào việc Chính phủ liên tục đẩy mạnh tiêm vaccine, Chủ tịch Vinatex dự đoán các địa phương sẽ không thực hiện giãn cách diện rộng như thời gian vừa qua, do vậy nửa cuối năm 2022 các doanh nghiệp sẽ thích nghi và yên tâm làm việc trong điều kiện "bình thường mới".
Hưng Phúc
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)