Cụ thể, trong quý I/2019, doanh thu của MB chủ yếu từ mảng tín dụng đạt 4.134 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 25,5% so với quý I/2018.

Mảng dịch vụ đạt 758 tỷ đồng lãi thuần, gấp 2,4 lần cùng kỳ. Nguyên nhân là do lãi thuần từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm tăng mạnh, từ 37 tỷ đồng quý I/2018 lên 459 tỷ đồng quý I/2019.

Ngoài ra, mảng ngoại hối đem về cho MB 120 tỷ đồng lãi thuần, tăng 59%; mảng chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và góp vốn, đầu tư dài hạn đem về 181 tỷ đồng lãi thuần, giảm 34%; các hoạt động khác đem về 258 tỷ đồng lãi thuần, giảm nhẹ 2,3%.

MBBank báo lãi quý I/2019 đạt hơn 2.400 tỷ đồng - Hình 1

(Ảnh minh họa)

Kết quả, quý I/2019, tổng thu nhập hoạt động của MB đạt 5.454 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ đi chi phí hoạt động (2.065 tỷ đồng, tăng 27%), lợi nhuận thuần của MB đạt 3.388 tỷ đồng, tăng 30%.

Tuy nhiên, do tăng nhẹ tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần lên 28,5% (từ mức 26,5%) nên lợi nhuận trước thuế của MB tăng 26,4% lên 2.424 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 31/3/2018, tổng tài sản của MB đạt 383.219 tỷ đồng, tăng 5,8% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 229.168 tỷ đồng, tăng 6,7%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,41%.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của MB đến hết ngày 31/3/2018 ở mức 36.131 tỷ đồng, tăng 5,7% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng ở mức 242.252 tỷ đồng, tăng 1%; trong đó, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn bất ngờ giảm xuống 25%, từ mức 32% thời điểm 3 tháng trước đó.

Theo đó, MBBank là 1 trong 14 ngân hàng thương mại của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng 500 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2018, bên cạnh những tên tuổi lớn khác như: Vietcombank, VietinBank, BIDV, VPBank và Techcombank.

Năm 2019, MB bám sát mục tiêu đến năm 2021 theo 4 chuyển dịch chiến lược: ngân hàng số, nâng cao quan hệ khách hàng, quản trị rủi ro vượt trội, nâng cao hoạt động của công ty thành viên, “duy trì Top 5 các Ngân hàng thương mại về hiệu quả kinh doanh và an toàn”.

Ngọc Linh