THCL Chỉ còn 6 tháng nữa, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức đi vào hoạt động, sẽ có nhiều hiệp định được ký kết, trong đó có thị trường lao động lành nghề. Liệu lao động ngành du lịch Việt Nam có bị “thua” ngay trên sân nhà?
Thiếu lao động chất lượng cao
Thực tế, phần lớn lao động ngành du lịch có tay nghề cao lại không do người Việt Nam nắm giữ. Tại các khách sạn từ 3 sao trở lên, các khu du lịch lớn, nhà hàng cao cấp, cán bộ quản lý, CEO… thường là những người nước ngoài hoặc du học sinh đã có nhiều năm học tập tại nước ngoài nắm giữ. Bởi những vị trí này thường yêu cầu khắt khe về trình độ, kinh nghiệm, cũng như vốn ngoại ngữ…
Sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng đào tạo về ngành du lịch hiện nay không ít: Cả nước hiện có 284 cơ sở tham gia đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học, 80 trường cao đẳng, 8 trường cao đẳng nghề, 117 trường trung học chuyên ngành, 12 trường trung cấp nghề… Vậy tại sao số lượng sinh viên ra trường đáp ứng được các tiêu chí của nhà tuyển dụng lại quá khiêm tốn?
Giải đáp vấn đề này, TS. Vũ Khắc Chương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch cho biết: “Còn sự chênh lệch về chất lượng đào tạo du lịch giữa các trường nghề với các trường không thuộc khối này, giữa các trường công lập, với trường ngoài công lập. Ví dụ, nếu ở các trường trung cấp nghề thiên về thực hành cho sinh viên thì các trường đại học, cao đẳng lại nghiêng về hướng hàn lâm, thiếu hẳn thực hành”.
Việc học về ngành du lịch tại đại học, cao đẳng mà ở đó, sinh viên thiếu kiến thức thực tế dẫn tới bỡ ngỡ khi ra trường - “lỗ hổng” trong việc đào tạo lao động du lịch chất lượng cao. Bên cạnh đó, hạn chế về ngoại ngữ cũng đang là rào cản lớn.
Lao động lành nghề trong ngành du lịch vẫn còn những “khoảng trống”. Vậy ngành du lịch sẽ được gì và mất gì khi AEC mở cửa? Đó chính là sự “đổ bộ” ồ ạt của lao động có tay nghề cao từ các nước trong khối ASEAN, đồng nghĩa với việc “chào thua” ngay trên sân nhà đối với lao động trong nước. Lời giải cho bài toán khó hay dễ?
“Học đi đôi với hành”!
Trao đổi với phóng viên về việc mở cửa lao động ngành du lịch trong khối ASEAN, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng: “Tổng cục Du lịch đã lường trước được vấn đề khi mở cửa thị trường lao động trong năm nay. Hiện nay, sinh viên tại các trường đào tạo du lịch còn thiếu rất nhiều về mặt kỹ năng, cũng như ngoại ngữ. Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo ngành du lịch bắt tay vào đào tạo thống nhất theo quy chuẩn của Bộ “Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam” (do EU tài trợ) làm tài liệu chuẩn phục vụ việc giảng dạy tại các cơ sở đào tạo du lịch. Chú trọng vốn ngoại ngữ cho sinh viên. Có như vậy, lao động Việt Nam mới có thể cạnh tranh được với nguồn lao động chất lượng cao từ nước ngoài vào”.
TS. Nguyễn Bá Lâm, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội) nhận định: “Sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay chủ yếu học “chay” nên thiếu rất nhiều kỹ năng nghề. Sắp tới, chúng tôi sẽ kết hợp với nhiều cơ sở du lịch để sinh viên có thể vừa học vừa “trải nghiệm” nghề, khi đó, ra trường sinh viên sẽ có một lượng kinh nghiệm nhất định, có thể bắt tay vào làm việc ngay mà không mất thêm thời gian học việc. Đó cũng là yêu cầu khi mở cửa thị trường AEC”.
Hiện nay, việc xây dựng khung trình độ quốc gia - do Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức, là cơ sở quan trọng để hội nhập ASEAN, thúc đẩy hợp tác giáo dục vẫn còn bỏ ngỏ. Việc chậm trễ trong xây dựng khung trình độ quốc gia khiến cho quá trình đào tạo gặp nhiều khó khăn, dẫn tới thách thức trong các ngành được luân chuyển lao động có tay nghề. Một khi đã hội nhập sâu rộng vào AEC, các vị trí chủ chốt của các cơ sở du lịch lại không phải do người Việt Nam nắm giữ, đó là “nỗi buồn” của nền giáo dục nước nhà.
Cao Huyền - Quang Nam