Sẽ tiếp tục đà tăng trưởng
Theo các chuyên gia, với việc hoàn thành 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, đặc biệt, tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra 6,7%, đây được xem là nền tảng để kinh tế 2018 tiếp tục tăng tốc, phát triển bền vững. Đây cũng là điều được nhấn mạnh trong mục tiêu phát triển của năm 2018. Trước đó, năm 2017, chất lượng tăng trưởng kinh tế được đánh giá là tích cực.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, chất lượng tăng trưởng năm 2017, tập trung ở 4 nhóm: Tăng trưởng GDP ở mức trung bình cao và tương đối ổn định trong nhiều năm; tăng trưởng kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm dần vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp TFP được cải thiện; môi trường kinh doanh và cạnh tranh tiến bộ được đánh giá cao; phát triển đi liền với bảo đảm công bằng của xã hội.
“Chất lượng tăng trưởng đã có nhiều cải thiện và dần được nâng lên, tuy chưa phải ở mức độ cao, nhưng cùng với tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới, chúng ta hoàn toàn có cơ sở tin tưởng rằng chất lượng tăng trưởng kinh tế sẽ ngày càng được cải thiện và đạt được ở mức độ cao hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Tuy nhiên, thách thức cho mục tiêu này là không ít. Chính phủ đã xác định, thách thức chủ yếu của Việt Nam đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế như mô hình kinh tế chủ yếu dựa trên lao động giá rẻ, trình độ công nghệ thấp. Bên cạnh đó, những khó khăn mới có thể xuất hiện tác động giảm tăng trưởng trong năm 2018 như những động lực tăng trưởng dựa vào yếu tố khai thác dầu khí, than, đóng góp của Samsung, Formosa, kiều hối... đều đã được tận dụng trong năm 2017 và khó có khả năng có mức tăng bứt phá.
Tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững phải gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào và phát huy được các yếu tố đầu ra. Theo tiêu chí này, kinh tế 2018 có nền tảng bước đầu khi thời gian qua cơ cấu nền kinh tế đã chuyển dịch giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng đã có chuyển dịch tích cực, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và chuyển dần sang khu vực sản xuất, chế biến, chế tạo và dịch vụ. Các yếu tố đầu ra mà quan trọng nhất của nền kinh tế nước ta là XK hàng hóa, cũng đã có tăng trưởng ấn tượng khi vượt xa chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.
Nền tảng - cải cách thể chế
Nhấn mạnh việc cần tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng, nền tảng để tái cơ cấu thành công chính là cải cách thể chế.
“Phát triển bền vững bắt đầu từ yếu tố thể chế. Thời gian qua, chúng ta đã bước đầu làm tốt vấn đề này, vì thế năm 2018, cần phát huy, tăng tốc cải cách thể chế để tiếp tục tháo cởi những khó khăn cho DN. Trong đó, phải đổi mới cán bộ, bộ máy, dù đây là thách thức lớn nhưng phải xoáy vào để thực hiện một cách hiệu quả nhất. Cải cách thể chế không chỉ dừng lại ở văn bản, mà phải áp dụng ngay vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh”, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nói.
PGS. TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (Đại học KTQD Hà Nội) cũng cho rằng, năm 2018 phải tiếp tục cải cách mạnh môi trường đầu tư, làm thế nào để cải cách mạnh mẽ nhất cho các DN, các hộ kinh doanh tiếp tục có điều kiện thuận lợi để phát triển. Trong năm 2017, chúng ta đã làm được nhiều trong việc cải thiện điều kiện kinh doanh cho DN, tuy nhiên, trên thực tế, các DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 được xác định là 6,5 - 6,7%, áp lực số lượng lên tăng trưởng giảm, song đòi hỏi phải tăng trưởng theo chiều sâu - là bài toán cần có sự vào cuộc thực chất cũng như đòi hỏi sự nỗ lực tăng tốc của các ngành, các lĩnh vực, trong đó đặc biệt quan trọng là một số dự án lớn.
Theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, năm 2018, một số dự án lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ đi vào hoạt động và mở rộng sản xuất có thể đóng góp tích cực trong tăng trưởng như Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, sản xuất thép Formosa, phân bón dầu khí Cà Mau, cao su Đà Nẵng; các dự án ngành xi măng, alumin... Tức là không chỉ Samsung, mà còn rất nhiều dự án lớn trong nhiều lĩnh vực sẽ đi vào sản xuất trong năm tới.
Theo TS. Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2018, chúng ta nên chủ trương tập trung chỉ đạo tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
“Chúng tôi tính toán và thấy rằng, trong vài ba năm tới, nếu tín dụng ở Việt Nam tăng ở mức 18 - 20%, đương nhiên là với giả định kinh tế thế giới như hiện nay, thì không gây áp lực nhiều cho ổn định vĩ mô. Vì đối với Việt Nam, nguồn lực vốn cho đầu tư vẫn là một nhân tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế”, ông Phước nói.
Cần tạo môi trường vĩ mô
Liên quan đến 3 trụ cột của tái cơ cấu nền kinh tế (tái cơ cấu DNNN, đầu tư công và thị trường tài chính), các chuyên gia cho rằng, rút kinh nghiệm của năm 2017, năm 2018, cần tăng tốc giải ngân đầu tư công vào cơ sở hạ tầng nhằm sớm phát huy hiệu quả của các công trình này, xóa bỏ tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.
Bên cạnh đó, với việc thu về gần 5 tỷ USD từ thoái vốn ở Sabeco cuối năm 2017, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc cổ phần hóa, thoái vốn tại các DNNN lớn, qua đó có thể bổ sung nguồn lực lớn cho ngân sách.
Một vấn đề được nhắc đến như là nhiệm vụ trọng tâm đối với Việt Nam không chỉ riêng năm 2018 - chính là cải thiện năng suất. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tăng năng suất có vai trò ngày càng quyết định đối với tăng GDP của Việt Nam, việc tăng năng suất lao động đóng góp khoảng 89% tăng trưởng GDP năm 2017. Việt Nam có nhiều tiềm năng, dư địa và cơ hội để gia tăng tốc độ tăng năng suất như phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học - công nghệ để tăng năng suất của từng DN, từng nội ngành kinh tế…
Như vậy, có thể coi tăng năng suất chính là chìa khóa để mở rộng cánh cửa tăng trưởng bền vững cho Việt Nam, làm được điều đó, nền kinh tế sẽ vận hành trơn tru và chúng ta sẽ không phải tính toán quá nhiều cho con số tăng trưởng GDP như thời gian qua.
Bên cạnh đó, cần tạo môi trường vĩ mô tốt nhất cho DN, liên quan đến chi phí logistics ở 4 khía cạnh: Làm thế nào để hoàn thiện thể chế phát triển hệ thống logistics, giảm chi phí nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng logistics, kết nối các hệ thống giao thông để vận tải hàng hóa nhanh hơn, hiệu quả hơn, chi phí thấp hơn; xây dựng các trung tâm logistics vùng; và thúc đẩy DN sử dụng dịch vụ logistics chuyên nghiệp.
Kiều Tuyết