HoREA dự báo trong năm 2018 phân khúc thị trường căn hộ vừa túi tiền có 1-2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới 01 tỷ đồng/căn vẫn là phân khúc chủ đạo và có tính thanh khoản cao nhất của thị trường BĐS. Trong khi đó, phân khúc thị trường cao cấp sẽ có sự tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với sức mua của thị trường. Riêng phân khúc thị trường condotel, đất nền phân lô sẽ tiếp tục tăng trưởng nóng, và dự báo tình hình tranh chấp ở các chung cư tiếp tục diễn biến ngày càng gay gắt, phức tạp, cần được kiểm soát và xử lý hiệu quả, kịp thời.

HoREA cũng dự báo thị trường BĐS năm 2018 sẽ chịu sự tác động của các nhân tố tăng trưởng GDP, tăng trưởng tín dụng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nguồn kiều hối... Tất cả các nhân tố này sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế và thị trường BĐS năm 2018.

Thị trường BĐS TP. HCM năm 2018 ra sao? - Hình 1

Dự báo năm 2018 tranh chấp trong mua bán bất động sản vẫn diễn biến phức tạp

Theo dự báo trong giai đoạn 2018 - 2020, thị trường BĐS tiếp tục sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn. Sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường BĐS có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị.

Thành phố đang nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng khoảng 1/3 quỹ đất nông nghiệp của thành phố thành đất công nghiệp, dịch vụ, đất đô thị; xây dựng đô thị thông minh; chuyển hướng phát triển đô thị về khu vực cao phía Tây Bắc... Hơn nữa TP. HCM với dân số khoảng 13 triệu người, trong đó có khoảng 3 triệu người nhập cư; Tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh, dự kiến thu nhập GDP bình quân đầu người của sẽ đạt khoảng 9.800 USD vào năm 2020 sẽ góp phần làm gia tăng nhu cầu tạo lập nhà ở, và phát triển thị trường BĐS. Quy mô thị trường BĐS TP. HCM hiện nay đã vượt ra khỏi ranh giới hành chính của thành phố và đã có tính lan tỏa trong "Vùng TP. HCM", nhất là tại các huyện thuộc các tỉnh giáp ranh với thành phố là cơ sở để định hướng phát triển thị trường BĐS trong trung hạn và dài hạn.

Dự kiến ngay trong năm 2018 nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến thị trường BĐS có thể trình Quốc hội xem xét. Đây là những công cụ về quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở; công cụ hành chính nhằm ràng buộc nghĩa vụ của chủ đầu tư để bảo vệ người tiêu dùng. Những công cụ này nhằm điều chỉnh thị trường BĐS nhằm mục tiêu phát triển thị trường bất động sản lành mạnh và bền vững.

Thị trường BĐS TP. HCM năm 2018 ra sao? - Hình 2

Năm 2018 phân khúc đất nền phân lô sẽ tiếp tục tăng trưởng nóng

HoREA dự báo hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án (M&A) sẽ phát triển mạnh hơn trước đây. Trong đó, có phần nhờ vào việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Một dự báo khác đó là xu thế hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ là tất yếu. Dòng vốn đầu tư FDI và nguồn kiều hối vẫn tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào nền kinh tế và thị trường BĐS trong thời gian tới.

Về dự báo có, hay không có "bong bóng" BĐS trong năm 2018, thì HoREA cho rằng khó có thể xảy ra, do có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước. Các doanh nghiệp cũng nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường. Nói cách khác, qua trải nghiệm các đợt khủng hoảng của thị trường BĐS thì các chủ thể đều thông minh hơn: Nhà nước thông minh hơn, chủ đầu tư thông minh hơn, ngân hàng thông minh hơn, người tiêu dùng thông minh hơn.

Ngoài ra, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. HCM lần thứ X, Chương trình chỉnh trang đô thị cũ và phát triển các khu đô thị mới sẽ là động lực thúc đẩy thị trường BĐS thành phố. Song song với đó thành phố đang tập trung phát triển hệ thống hạ tầng đô thị mới, trước hết là đường giao thông, cầu cạn trên cao, các tuyến metro, đường sắt trên cao, xe buýt chất lượng cao, buýt đường sông, nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp "ăn theo" để đầu tư, phát triển thị trường bất động sản cả trong trung hạn và dài hạn.

Nguyễn Lánh