Thời gian vừa qua, các bác sĩ đã cảnh báo về những biến chứng nặng nề khi đi làm đẹp tại các cơ sở không đủ tiêu chuẩn. Điển hình là trường hợp người phụ nữ (23 tuổi) tiêm filler tại một cơ sở spa ở Hà Nội. Ngày thứ 3 sau tiêm, bệnh nhân có biểu hiện méo cằm, lệch má, mũi bị chèn ép hình thành ổ mủ, vết bầm tím lan rộng, tắc mạch nguy cơ hoại tử cao và phải vào viện "cầu cứu" bác sĩ.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhận, các bác sĩ tại BV Da liễu Trung ương đã tiến hành tiêm Hyaluronidase để hóa giải filler giải phóng chèn ép và thông lòng mạch máu, đồng thời sử dụng thuốc giãn mạch, chống huyết khối, và chống phù nề. Tuy nhiên, việc điều trị gặp khó khăn vì chất làm đầy này đã xâm nhập vào mạch máu, gây phá huỷ tế bào.

Một phụ nữ méo mặt, mũi bọc mủ vì tiêm chất làm đầy - Hình 1

Sau tiêm, bệnh nhân có biểu hiện méo cằm, lệch má, mũi bị chèn ép hình thành ổ mủ

Trước đó, BV Da liễu Trung ương cũng từng tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng nặng nề, hoại tử mũi, môi căng phồng sau khi tiêm filler tại các cơ sở không đảm bảo chất lượng.

Việc tiêm filler là một thủ thuật không quá phức tạp, nhưng nó đòi hỏi người tiêm cần có kinh nghiệm và đã qua đào tạo. Nhưng trên thực tế, tại các spa những nhân viên bình thường cũng thực hiện tiêm filler cho khách hàng. Họ không phải bác sĩ, không được đào tạo chính quy do đó việc xảy ra tai biến là điều dễ hiểu.

Không chỉ tại các spa mới tiêm filler mà bây giờ ngay cả các quán cắt tóc, gội đầu cũng quảng cáo có thể tiêm filler "xách tay" từ Hàn Quốc với giá rẻ khiến cho nhiều người vì ham rẻ và mong muốn mình đẹp lên nên bất chấp rủi ro để làm đẹp.

Để hạn chế rủi ro khi tiêm filler thì cơ quan chức năng cần phải vào cuộc xử lý những cơ sở không có giấy phép, không đăng ký nhưng vẫn tiến hành những thủ thuật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Hằng Vương