Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

 Với tư cách là đối tượng được kiểm tra, để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, một vấn đề rất quan trọng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh đặc biệt là các đơn vị mới hoạt động là cần nắm vững các quy định hiện hành của pháp luật về quyền và trách nhiệm của mình cũng như những nội dung cơ bản về hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường. Dưới đây, Thương hiệu và công luận xin giới thiệu bài viết về vấn đề này của ông Đỗ Thanh Lam, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (nay là Tổng cục Quản lý thị trường).

Quyền và trách nhiệm của đối tượng được kiểm tra

Về quyền của tổ chức, cá nhân được kiểm tra:

Được thông báo bằng văn bản về kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề; được thông báo về nội dung, thời gian kiểm tra khi công bố quyết định kiểm tra đột xuất; Từ chối việc kiểm tra nếu có căn cứ cho rằng việc kiểm tra không đúng quy định của Pháp lệnh Quản lý thị trường và pháp luật có liên quan; Giải trình và đưa ra ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình liên quan đến nội dung kiểm tra; Trực tiếp làm việc hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp làm việc với cơ quan kiểm tra khi được kiểm tra, bị xử lý vi phạm hành chính; Yêu cầu cơ quan kiểm tra cải chính công khai hoặc xin lỗi và bồi thường thiệt hại nếu có căn cứ cho rằng việc kiểm tra, xử lý không đúng pháp luật ảnh hưởng đến uy tín, danh dự hoặc gây thiệt hại vật chất của tổ chức, cá nhân; Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện về việc kiểm tra, xử lý không đúng pháp luật theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được kiểm tra:

Nghiêm chỉnh chấp hành quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền. Trường hợp tổ chức, cá nhân từ chối việc kiểm tra thì phải có văn bản giải trình, đồng thời cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh việc kiểm tra là không đúng quy định của Pháp lệnh Quản lý thị trường và pháp luật có liên quan; Trực tiếp làm việc hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp làm việc với cơ quan kiểm tra khi được kiểm tra, bị xử lý vi phạm hành chính; Cung cấp kịp thời giấy tờ, tài liệu, sổ sách, chứng từ liên quan đến nội dung kiểm tra theo yêu cầu kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các giấy tờ, tài liệu, chứng từ, sổ sách đã cung cấp; Chấp hành việc kiểm tra, tạm giữ hàng hóa, tang vật, giấy tờ, phương tiện, dụng cụ sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại nơi sản xuất, bày bán, lưu giữ hàng hóa theo yêu cầu kiểm tra, tạm giữ của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Giải trình kịp thời, đầy đủ, đúng sự thật về các nội dung kiểm tra theo yêu cầu của người có thẩm quyền; Không được trốn tránh, cản trở, trì hoãn, chống đối việc kiểm tra hợp pháp hoặc đe dọa, lăng mạ, dụ dỗ, mua chuộc, hối lộ dưới mọi hình thức đối với thành viên Đoàn kiểm tra.

Những nội dung cơ bản về hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường:

Về phạm vi kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường.

Hiện nay, lực lượng Quản lý thị trường được phép kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường; Trong quá trình kiểm tra hàng hoá, nếu phát hiện có vi phạm thì lực lượng Quản lý thị trường được quyền thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Kiểm tra cơ sở sản xuất đối với lĩnh vực, ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương; Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực khác mà lực lượng Quản lý thị trường được Chính phủ giao thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính.

Về thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra; hình thức kiểm tra.

Theo quy định hiện hành, việc kiểm tra tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh của Lực lượng Quản lý thị trường phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền, bao gồm: Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (viết tắt là Tổng cục trưởng); Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (viết tắt là Cục Nghiệp vụ); Cục trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương (viết tắt là Cục cấp tỉnh); Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (viết tắt là Đội trưởng). Các chức danh này được giao quyền cho cấp phó của mình (giao thường xuyên hoặc từng vụ việc) thực hiện ban hành quyết định kiểm tra; việc giao quyền phải thể hiện bằng văn bản. Người có thẩm quyền và người được giao quyền ban hành quyết định phải có Thẻ Kiểm tra thị trường (Thẻ không bị tạm đình chỉ hoặc bị thu hồi).

Hiện nay, Lực lượng Quản lý thị trường có 3 hình thức kiểm tra tổ chức cá nhân kinh doanh là kiểm tra theo kế hoạch định kỳ (viết tắt là KTĐK); kiểm tra theo kế hoạch chuyên đề (viết tắt là KTCĐ) và kiểm tra đột xuất (viết tắt là KTĐX).

Kế hoạch kiểm tra định kỳ của lực lượng Quản lý thị trường được Cục Nghiệp vụ và Cục cấp tỉnh xây dựng, trình Tổng cục trưởng phê duyệt và ban hành chậm nhất 31 tháng 12 hằng năm.

Kế hoạch kiểm tra chuyên đề do Cục Nghiệp vụ và Cục cấp tỉnh xây dựng và ban hành căn cứ vào những phát sinh trên thị trường nhưng không thuộc phạm vi, nội dung của Kế hoạch kiểm tra định kỳ hoặc căn cứ vào chỉ đạo bằng văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục trưởng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp trên có thẩm quyền. Đội trưởng Quản lý thị trường xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề trình Cục trưởng Cục quản lý thị trường cấp trên phê duyệt, tổ chức thực hiện khi trên thị trường, địa bàn, lĩnh vực được giao quản lý phát sinh những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quản lý thị trường cần phải tập trung kiểm tra nhưng không thuộc phạm vi, nội dung các kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt hoặc ban hành.

Pháp luật hiện hành quy định Quyết định kiểm tra định kỳ và kiểm tra chuyên đề được ban hành không quá một lần trong một năm về cùng nội dung đối với một đối tượng kiểm tra; ngay sau được phê duyệt hoặc ban hành phải gửi đến các cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng được kiểm tra; niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành (nếu có).

Quyết định kiểm tra đột xuất được ban hành khi có một trong  các thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được thẩm tra, xác minh, bao gồm: Thông tin từ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện yêu cầu kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cụ thể; Thông tin từ văn bản yêu cầu, đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước khác; Thông tin từ báo cáo của công chức Quản lý thị trường được giao thực hiện các biện pháp nghiệp vụ hoặc từ báo cáo của công chức Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính; Thông tin từ văn bản của cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường các cấp chuyển giao;  Thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng về vi phạm pháp luật, dấu hiệu vi phạm pháp luật; Thông tin từ tin báo, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng hoặc của tổ chức, cá nhân khác về vi phạm pháp luật, dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Về nội dung Quyết định kiểm tra; Đoàn kiểm tra và thời gian kiểm tra.

 Quyết định kiểm tra phải ghi rõ những nội dung chính sau đây: Ngày, tháng, năm ra quyết định; Căn cứ ban hành quyết định kiểm tra; Họ, tên cá nhân, tên tổ chức, địa điểm kiểm tra; Nội dung kiểm tra; thời hạn kiểm tra; Họ, tên, chức vụ của Trưởng Đoàn và thành viên Đoàn kiểm tra; Họ, tên, chức vụ người ra quyết định kiểm tra.

Quyết định kiểm tra phải được công bố và giao cho tổ chức, cá nhân được kiểm tra ngay khi tiến hành kiểm tra.

Đoàn kiểm tra được thành lập để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền. Việc quyết định thành lập Đoàn kiểm tra phải bằng văn bản của người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra; Đoàn kiểm tra phải có từ 02 công chức Quản lý thị trường trở lên; Trưởng Đoàn kiểm tra phải có thẻ kiểm tra thị trường. Thành viên của Đoàn kiểm tra phải không trong thời gian chấp hành kỷ luật hoặc bị đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật; Công chức Quản lý thị trường không được tham gia Đoàn kiểm tra trong trường hợp có vợ hoặc chồng, con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột của mình hoặc của vợ hoặc của chồng là đối tượng kiểm tra hoặc giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong tổ chức là đối tượng kiểm tra. Thành phần Đoàn kiểm tra, ngoài lực lượng Quản lý thị trường có thế có thành viên là người của các cơ quan hữu quan.

Như vậy, việc kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường thực hiện theo hình thức Đoàn kiểm tra, trừ trường hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ được nêu duới đây.

Thời hạn một cuộc kiểm tra tại nơi kiểm tra không quá 03 ngày làm việc, kể từ  ngày công bố quyết định kiểm tra; Trường hợp vụ việc kiểm tra phức tạp thì thời hạn một cuộc kiểm tra có thể kéo dài, nhưng tối đa không quá 05 ngày làm việc, kể từ  ngày công bố quyết định kiểm tra. Việc kéo dài thời hạn một cuộc kiểm tra do người đã ban hành quyết định kiểm tra quyết định bằng văn bản.

Thời gian không được tính vào thời hạn kiểm tra, gồm: Thời gian thẩm tra, xác minh để kết luận việc kiểm tra; Thời gian tổ chức, cá nhân được kiểm tra nhưng trì hoãn hoặc trốn tránh việc kiểm tra.

Về triển khai thực hiện quyết định kiểm tra.

Việc kiểm tra phải có Quyết định kiểm tra với các nội dung như đã nêu ở trên. Trường hợp tại thời điểm tổ chức thực hiện quyết định kiểm tra, tổ chức, cá nhân được kiểm tra không hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thì Đoàn kiểm tra lập biên bản về việc không thực hiện quyết định kiểm tra với sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đại diện cơ quan công an cấp xã và báo cáo người ban hành quyết định kiểm tra xem xét, quyết định.

Khi bắt đầu tiến hành kiểm tra, Trưởng Đoàn kiểm tra phải tiến hành các thủ tục sau: Xuất trình Thẻ kiểm tra thị trường; công bố và giao quyết định kiểm tra cho tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra; Thông báo cho tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra về thành phần Đoàn kiểm tra và người chứng kiến (nếu có); Yêu cầu tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra chấp hành quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền và làm việc với Đoàn kiểm tra; Trường hợp cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra không có mặt tại nơi kiểm tra thì Đoàn kiểm tra vẫn công bố quyết định kiểm tra và tiến hành việc kiểm tra trước đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đại diện cơ quan công an cấp xã và người chứng kiến.

Về lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính.

Căn cứ kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra lập, ký biên bản kiểm tra để ghi nhận kết quả kiểm tra và kết luận về nội dung kiểm tra (nếu có) ngay sau khi kết thúc việc kiểm tra tại nơi kiểm tra. Việc lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính tại nơi kiểm tra thực hiện như sau:

Trường hợp kết quả các nội dung kiểm tra tổ chức, cá nhân được kiểm tra đều chấp hành đúng pháp luật thì Đoàn kiểm tra lập biên bản kiểm tra ghi nhận kết quả kiểm tra;

Trường hợp kết quả các nội dung kiểm tra phát hiện vi phạm hành chính hoặc vừa có có nội dung kiểm tra chấp hành đúng pháp luật, vừa có nội dung kiểm tra phát hiện vi phạm hành chính mà không phải thẩm tra, xác minh thì Đoàn kiểm tra lập biên bản kiểm tra ghi nhận kết quả kiểm tra; lập biên bản vi phạm hành chính hoặc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản nếu thuộc trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức đối với vi phạm hành chính đã phát hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp kết quả kiểm tra có nội dung kiểm tra phát hiện dấu hiệu vi phạm hành chính cần phải thẩm tra, xác minh làm rõ để kết luận thì Đoàn kiểm tra lập biên bản kiểm tra ghi nhận kết quả kiểm tra, đồng thời đề xuất người ban hành quyết định kiểm tra tổ chức thu thập, thẩm tra, xác minh để bổ sung tài liệu, chứng cứ theo quy định, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Biên bản kiểm tra phải lập đúng mẫu quy định và thực hiện theo quy định sau: Khi lập biên bản kiểm tra phải có mặt tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra; trường hợp tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra vắng mặt hoặc cố tình trốn tránh thì khi lập biên bản kiểm tra phải có đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đại diện cơ quan công an cấp xã và người chứng kiến; Trường hợp tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra từ chối ký biên bản kiểm tra thì khi lập biên bản kiểm tra phải có đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đại diện cơ quan công an cấp xã hoặc 02 người chứng kiến và ghi rõ lý do từ chối vào biên bản.

Nội dung biên bản kiểm tra:

Biên bản kiểm tra phải ghi đầy đủ, chính xác kết quả kiểm tra đối với từng nội dung kiểm tra; ý kiến của tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra, đại diện cơ quan phối hợp kiểm tra, người chứng kiến (nếu có); ý kiến đánh giá, kiến nghị, đề xuất của Đoàn kiểm tra đối với vụ việc kiểm tra;

Biên bản kiểm tra phải có đủ chữ ký của đại diện các bên liên quan đến việc kiểm tra, lập biên bản kiểm tra. Trường hợp biên bản có nhiều trang, nhiều liên thì phải có chữ ký của những người này vào từng trang, từng liên của biên bản, kể cả phụ lục và bảng kê kèm theo biên bản kiểm tra.

Về một số biện pháp nghiệp vụ của Quản lý thị trường.

Theo quy định hiện hành, lực lượng Quản lý thị trường được thực hiện các biện pháp nghiệp vụ như: Quản lý địa bàn đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại; Thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin phục vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính; Giám sát hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân; Xây dựng cơ sở cung cấp thông tin  để phục vụ hoạt động  của lực lượng Quản lý thị trường.

Việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ không được gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

Căn cứ kết quả kiểm tra hoặc kết quả thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, người có thẩm quyền của Quản lý thị trường quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, bao gồm: Khám người, khám phương tiện, đồ vật, khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính; tạm giữ người theo thủ tục hành chính; áp giải người vi phạm khi có căn cứ quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 Tất cả các trường hợp khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật, khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo thủ tục hành đếu phải có quyết định khám bằng văn bản của người có thẩm quyền, trừ trường hợp cần khám ngay theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 127 hoặc khoản 3 Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trưởng Đoàn kiểm tra áp dụng theo thẩm quyền hoặc đề xuất người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính; tạm giữ người theo thủ tục hành chính; áp giải người vi phạm khi có căn cứ theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc đề xuất được thực hiện bằng văn bản hoặc được ghi trong nội dung biên bản kiểm tra, biên bản khám của Đoàn kiểm tra.

Thẩm quyền và thủ tục áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tạm giữ người theo thủ tục hành chính và áp giải người vi phạm thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính./.                            

Đỗ Thanh Lam