Việt Nam đang thu hút nhiều hơn các tập đoàn đa toàn cầu

Theo công bố của Công ty Tư vấn Toàn cầu về Quản lý và Định giá Thương hiệu Brand Finance (Anh), thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn 2019-2023. Và giá trị thương hiệu quốc gia năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022, xếp thứ 33/121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng. Đây là một kết quả đáng khích lệ cho những cố gắng đầy trí tuệ, bản lĩnh của các cơ quan chức năng Việt Nam của chủ trương hội nhập kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phát triển thương hiệu doanh nghiệp là điều kiện bắt buộc để Việt Nam vươn tầm toàn cầu
Phát triển thương hiệu doanh nghiệp là điều kiện bắt buộc để Việt Nam vươn tầm toàn cầu (Ảnh: Viết Dũng)

Đánh giá về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: “Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động và có độ mở cao nhất thế giới, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 thế giới. Theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019 - 2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế”, 

Thực tế, những năm qua, rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đặt nhà máy tại Việt Nam, như: Honda, Samsung, Unilever, Huyndai, CP Group… Điều này cho thấy thương hiệu quốc gia của chúng ta rất hấp dẫn đối với những tập đoàn đa toàn cầu bởi sự ổn định xã hội, cơ chế thu hút vốn đầu nước ngoài hấp dẫn, nguồn nhân lực tay nghề cao, vùng nguyên liệu tốt và giá rẻ...

Với thực tế này, thì các doanh nghiệp Việt đang đứng trước rất nhiều cơ hội, cũng như thách thức lớn khi hội nhập quốc tế. Bởi, cuộc chiến thương mại với những tập đoàn toàn cầu sẽ khốc liệt hơn rất nhiều so với doanh nghiệp trong nước. Việc phát triển thương hiệu là điều bắt buộc nếu muốn tồn tại và phát triển trong thời điểm này.

"Giá trị thương hiệu là thước đo thành công của doanh nghiệp"!

Cũng theo bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2024 (Global500) mới được công bố của Brand Finance, chỉ tính riêng 10 doanh nghiệp đứng đầu với những Apple, Microsofl, Goofle, Amazon… được định giá thương hiệu gần 2.000 tỷ USD. Sức mạnh thương hiệu to lớn của những tập đoàn toàn cầu này đã tạo ra vô số cơ hội trong kinh doanh, phát triển, cũng như thu hút nguồn nhân sự chất lượng cao.

Trong đó, theo Bảng xếp hạng giá trị thương hiệu toàn cầu do Brand Finance vừa công bố, vượt qua nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn như Swisscom (Thụy Sĩ), Jio (Ấn Độ), STC (Ả Rập Xê Út)…, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) trở thành thương hiệu viễn thông mạnh thứ hai thế giới.

Chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index - BSI) của Viettel đạt 89,4/100, xếp hạng AAA - mức cao nhất trong các năm và tăng 4,2 điểm so với năm 2023. Theo đó, giá trị thương hiệu xấp xỉ 9 tỷ USD của Viettel, giúp doanh nghiệp Việt giữ vững ngôi vị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á, xếp hạng thứ 9 tại châu Á và thăng một hạng trên thế giới lên bậc 16 về giá trị thương hiệu.

Vậy, làm thế nào để doanh nghiệp Việt chúng ta trở thành một trong những thương hiệu mạnh, có Top toàn cầu, với trị giá cao?

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Ngọc Hải – Giảng viên ngành Marketing Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Hướng nghiệp Education Tour cho hay:

Điều tiên quyết là doanh nghiệp buộc phải giải quyết được bài toán nhu cầu thị trường, chất lượng sản phẩm và ưu thế cạnh tranh. Khi và chỉ khi thỏa mãn được những điều kiện cần doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển.

Sản phẩm của doanh nghiệp hiện tại buộc phải cạnh tranh với những tiêu chí chất lượng của doanh nghiệp đa quốc gia. Chúng ta cần tận dụng triệt để những hiểu biết về mọi thứ để có ưu thế trên “sân nhà” trước khi nghĩ đến việc vươn ra nước ngoài.

Việt Nam có sự cạnh tranh về giá nhờ chi phí nguyên liệu, giá thành nhân công và tỉ giá. Thế nhưng, tại các nước phát triển, sản phẩm cuả doanh nghiệp Việt phải đáp ứng rất nhiều những tiêu chuẩn khắt khe.”

Cũng theo ông ông Lê Ngọc Hải, người lao động nước ta cần tiếp thu tư liệu sản xuất tiên tiến, máy móc hiện đại để gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp Việt cần tiếp cận những tiêu chuẩn toàn cầu, nhắm đến những thị trường “khó tính”. Khi và chỉ khi làm được điều này mới có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia trên toàn cầu.

Phát triển một thương hiệu còn đi kèm với nhận diện hình ảnh của doanh nghiệp đối với khách hàng và đối tác. Đây cũng là yếu tốt tối quan trọng trong sự phát triển của một thương hiệu doanh nghiệp.

Ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Trần Anh Group khẳng định: “Tùy vào từng giai đoạn phát triển, thị trường, phân khúc sản phẩm để doanh nghiệp có những nhận diện thương hiệu khác nhau.

Giai đoạn đầu hình thành và phát triển của tập đoàn, từ logo, ý tưởng của chúng tôi còn khá đơn giản. Tuy nhiên, với quá trình hình thành, phát triển gần 20 năm qua Trần Anh Group đã có những thay đổi về nhận diện thương hiệu của mình. Ngoài ra, để phát triển một thương hiệu doanh nghiệp mạnh, chúng tôi phải nỗ lực rất lớn. Chúng tôi phải liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khác hàng, tạo ra sự khác biệt và ưu thế cạnh tranh của mình.”

Còn theo bà Lê Thị Bích Hằng (Liên đoàn Luật sư TP. HCM) phân tích: "Để xây dựng thành công một thương, ngoài chất lượng và giá cạnh tranh, doanh nghiệp cần lưu ý đăng ký bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ ở cả trong và ngoài nước. Đây có thể xem là việc quan trọng để đảm bảo thành công cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu của một doanh nghiệp. Dù vậy. nhiều doanh nghiệp đã bỏ qua thủ tục này vì chưa có cái nhìn đầy đủ về pháp lý.

Từ đây xuất hiện những cơ hội cho tình trạng làm giả, nhái hay thậm chí đánh cắp thương hiệu. Thực tế, những bài học về đăng ký thương hiệu đã xảy ra với doanh nghiệp Việt cả trong và ngoài nước gây ra thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp…".

Cũng theo nhận định của giới chuyên gia, một điều quan trọng hơn, là doanh nghiệp cần nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu. Từ đó, giành nguồn lực phù hợp, coi chi phí cho hoạt động này là một khoản đầu tư trung và dài hạn, giúp nâng cao giá trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải xem việc phát triển thương hiệu giữ vai trò chiến lược của doanh nghiệp. Bởi lẽ đó mà Apple, thương hiệu giá trị cao nhất năm 2024 đã chi hàng trăm triệu USD mỗi năm vào việc quảng cáo của mình.

Hồ Đông - Chí Công