Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Thực trạng câu chuyện xây dựng thương hiệu gắn với phát triển xanh

Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng thương hiệu gắn với phát triển xanh, phát triển bền vững là yêu cầu bắt buộc. Các doanh nghiệp Việt Nam đã có những chuyển biến tới đâu và còn gặp những khó khăn gì cần được hỗ trợ tháo gỡ? Ông Lại Tiến Mạnh - Giám đốc Công ty Cổ phần Mibrand Việt Nam (công ty cung cấp dich vụ Tư vấn xây dựng thương hiệu và Nghiên cứu thị trường) sẽ chia sẻ cùng bạn đọc xung quanh câu chuyện này.

Ông Lại Tiến Mạnh - Ông Lại Tiến Mạnh - Giám đốc Công ty Cổ phần Mibrand Việt Nam
Ông Lại Tiến Mạnh - Ông Lại Tiến Mạnh - Giám đốc Công ty Cổ phần Mibrand Việt Nam

Thời gian gần đây, các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp Việt Nam nhắc nhiều tới việc xây dựng thương hiệu gắn với phát triển xanh. Ông nhìn nhận như thế nào về những chuyển biến của doanh nghiệp theo xu thế này?

Phát triển xanh đang được nhắc đến rất nhiều. Mặc dù đã có chuyển biến, tuy nhiên tôi thấy nhóm ưu tiên phát triển sản phẩm xanh thật sự chưa nhiều, tất cả đang ở khởi đầu, mới ở trạng thái định hướng, quan tâm đến việc đó mà thôi.

Đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ, thì đây là câu chuyện đã được cảnh báo từ lâu.

Phát triển xanh không chỉ là một lựa chọn mà gần như là một điều bắt buộc đối với việc kinh doanh. Bởi nếu để xuất khẩu, phải có rất nhiều chứng chỉ, các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, bao gồm cả từ nguồn nhân lực, năng lượng cho đến chứng minh được về phát thải, chứng minh được nguồn gốc của sản phẩm (không xuất phát từ việc phá rừng…). Đối với những DN như thế, phát triển xanh, phát triển bền vững là điều bắt buộc phải làm và phải thực sự thay đổi về quy trình, thay đổi về cách thức quản lý, cách thức sản xuất.

Còn lại, với các DN khác, nếu đang xuất khẩu đi một thị trường khác chưa yêu cầu quá khắt khe thì cũng có thể chậm trễ hơn một chút nhưng dần dần rồi cũng phải tính đến chuyện các thị trường như Nhật, Hàn, Mỹ… cũng làm chặt như thị trường châu Âu.

Đối với thị trường nội địa, nếu có chiến lược rõ ràng hướng vào thế hệ trẻ, DN có cách truyền thông, cách tiếp cận thương hiệu là thương hiệu xanh thì sẽ hấp dẫn giới trẻ (ví dụ đối với khách mua hàng trên sàn thương mại điện tử không thích nhận gói hàng bọc nhiều túi nilon, quấn băng dính mà rất hài lòng nếu hàng được bọc bằng túi giấy, buộc dây gai - bởi nhận thấy thương hiệu này thân thiện với môi trường, giảm rác thải)…

Các DN nhỏ, siêu nhỏ thì đi về sản phẩm sạch, sản phẩm xanh ở tầm thân thiện với môi trường, vì sức khỏe cộng đồng, hình thành những hội kinh doanh hàng hữu cơ, thực dưỡng…

Nhiều DN lớn hưởng ứng với các phong trào như trồng cây xanh…

Để chuyển đổi thực sự lại là một câu chuyện cực kỳ phức tạp, yêu cầu sự chuyển biến từ cơ quan quản lý tới DN. Tại nhiều DN, việc “vác” cả tập hồ sơ giấy tờ đi nộp cho cơ quan liên quan vẫn còn phổ biến - nếu chuyển đổi thực sự, thì rõ ràng không nên yêu cầu nộp cả đống hồ sơ giấy tờ như thế, mà sẽ nộp online; rồi ký hợp đồng điện tử...

Theo ông, còn có những khó khăn, hạn chế, vướng mắc gì đối với doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu gắn với phát triển xanh? Doanh nghiệp cần phải làm gì để vượt qua và đi đến thành công?

Luôn có sự giằng xé giữa việc biết gì là tốt, nói ra ai cũng thấy hay nhưng để làm được thì thực tế không dễ tí nào, cần có sự thay đổi từ tư duy đến đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ và muốn làm được phải có nhiều tiền.

Để biến một DN từ DN vận hành bình thường sang một DN được gọi là xanh thì đầu tiên phải xác định tiêu chí: Thế nào là một DN xanh?

Có nhiều rào cản như: Chuyển đổi mô hình thì cần phải có nhận thức, có tiền đầu tư, có công nghệ (đơn cử như DN dệt may muốn xuất khẩu hàng sang châu Âu, một trong những điều kiện là phải chứng minh được năng lượng tiêu thụ phải là năng lượng xanh…) và con người nhất quán theo hướng đó. Rõ ràng, nếu DN đang trong giai đoạn khó khăn thì rất khó để thực hiện điều này.

Phát triển xanh, bền vững có rất nhiều góc độ, tuy nhiên, với Việt Nam hiện nay, đừng có nói điều gì to tát mà hãy nói ngay đến một cái rất sát sườn, cụ thể là tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, giấy in ra một mặt thì đừng có vứt đi, mặt kia hoàn toàn có thể tận dụng…

Để vượt qua những khó khăn, rào cản, cần đẩy mạnh quảng bá về các mô hình chuyển đổi xanh hiệu quả. Ví dụ như Vinamilk đã đạt được những thành tựu rất là lớn: Có nhà máy Net Zero và cũng sẽ lần lượt làm các nhà máy khác, một phần đầu tư vào công nghệ, một phần đầu tư vào trồng rừng để cân bằng khí thải CO2…

Vinamilk - DN điển hình xây dựng thương hiệu gắn với phát triển xanh, phát triển bền vững
Vinamilk - DN điển hình xây dựng thương hiệu gắn với phát triển xanh, phát triển bền vững

Nhiều DN nhỏ hơn nhưng cũng có những biến chuyển nhỏ như lắp một tấm pin mặt trời… Cần những biến chuyển từ tư duy và sẽ lan tỏa dần.

Để việc xây dựng thương hiệu gắn với phát triển xanh thực sự có hiệu quả, Nhà nước, cơ quan quản lý cần có những cơ chế, chính sách và hành động cụ thể như thế nào?

Theo tôi, cần có chính sách và hành động cụ thể cho việc xây dựng thương hiệu gắn với phát triển xanh.

Đó là cần có chính sách khuyến khích chứ không chỉ là câu chuyện hô hào cho có, cần có sự truyền thông và quảng bá rộng rãi về việc này.

Đối với nước ngoài, đã có những gói tài trợ cho các sản phẩm ưu tiên. Việt Nam cũng cần quan tâm về ngân sách, ngân quỹ, có các khoản vay ưu đãi cho phát triển xanh, và những ưu đãi cũng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN tiếp cận.

Rất cần có các gói hỗ trợ cụ thể và có thể là chọn ra một vài ngành cấp thiết, những ngành buộc phải chuyển đổi và trong ngành này lại chọn ra một số DN (với các điều kiện: DN cấp thiết phải làm, lãnh đạo DN có nhận thức đầy đủ về phát triển xanh, DN có vốn đối ứng để làm nhưng khó khăn về mặt triển khai, thiếu chuyên gia…). Từ đó đưa ra luôn các gói hỗ trợ triển khai, vốn vay ưu đãi, có thể là có các chuyên gia vào để tư vấn về chuyển đổi, về luật, về công nghệ… Nếu thấy mô hình đó hiệu quả thật thì nhân rộng lên.

Ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu gắn với phát triển xanh trong giai đoạn hiện nay?

Xây dựng thương hiệu gắn với phát triển xanh đang là xu hướng không thể cưỡng lại được, là yêu cầu bắt buộc. Tùy theo mức độ DN có sự quan tâm khác nhau nhưng đối với thị trường hiện nay, người tiêu dùng quan tâm rất nhiều đến phát triển xanh, giữ gìn và bảo vệ môi trường trước biến đổi của khí hậu - nên đây là điều không thể bỏ qua trong chiến lược phát triển bền vững của DN.

Điều này, như trên tôi đã nói, không phải là dễ dàng đối với DN đang gặp đầy dãy những khó khăn, tuy nhiên, nếu có định hướng rõ ràng và sự quyết tâm, cộng thêm chính sách khuyến khích từ phía Nhà nước, DN sẽ thành công.

Đối với những DN ngay từ đầu khởi nghiệp đã đi theo hướng phát triển xanh, sẽ ngày càng phát triển, có thể chậm nhưng bền vững (đơn cử như câu chuyện DN sản xuất ống hút bằng giấy, bằng gạo thay cho sản xuất bằng nhựa, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và xuất đi cả nước ngoài). Đây là cơ hội tốt cho các DN này phát triển bền vững và khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà Thu(thực hiện)

Bài liên quan

Tin mới

Thủy điện - xương sống trong cơ cấu nguồn điện bây giờ ra sao?
Thủy điện - xương sống trong cơ cấu nguồn điện bây giờ ra sao?

Theo Quy hoạch Điện VIII, định hướng tới năm 2030, tổng công suất các nguồn thủy điện, bao gồm cả thủy điện nhỏ dự kiến đạt 29.346 MW, sản xuất 101,7 tỷ kWh; đến năm 2050, tổng công suất nguồn thủy điện dự kiến đạt hơn 36.000 MW, sản xuất hơn 114 tỷ kWh/năm.

Tăng cường tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Tăng cường tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thực tiễn khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đao của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, đây cũng là quá trình thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 các khóa XI, XII và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII; quán triệt tinh thần Đại hội XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; gắn liền củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Hình thức tác chiến “đào hào, vây lấn” tiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Hình thức tác chiến “đào hào, vây lấn” tiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến hào chưa bao giờ được xem là phương thức tiến công. Cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ, hình thức tác chiến “đào hào, vây lấn” của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khiến thực dân Pháp bất ngờ, khiến giới quân sự thế giới sửng sốt, trở thành một hình thái chiến tranh sáng tạo, độc đáo, góp phần quyết định chiến thắng lịch sử của dân tộc ta.

VN-Index hôm nay: Nhà đầu tư ngắn hạn tránh mua đuổi cổ phiếu khi chỉ số gần tới ngưỡng kháng cự
VN-Index hôm nay: Nhà đầu tư ngắn hạn tránh mua đuổi cổ phiếu khi chỉ số gần tới ngưỡng kháng cự

Chuyên gia chứng khoán khuyên nhà đầu tư, hôm nay, ngày 3/5, thị trường cần thêm thời gian tích lũy trước khi tăng điểm bền vững trở lại. Do đó, nhà đầu tư nên tránh mua đuổi, và chỉ thực hiện giải ngân mới khi thị trường kiểm định lại vùng 1.170 điểm.

Giá tiêu hôm nay 3/5: Đạt đỉnh 100.000 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay 3/5: Đạt đỉnh 100.000 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay 3/5, giá tiêu tiếp tục tăng 1.500 đồng/kg, đưa giá tiêu lập đỉnh cao nhất 100.000 đồng/kg.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: “Việt Nam luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và mục tiêu của phát triển”
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: “Việt Nam luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và mục tiêu của phát triển”

Nhận lời mời của Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, từ ngày 2-3/5/2024, tại Thủ đô Paris, Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD (MCM) năm 2024 và một số hoạt động tại Pháp.