HDBank vừa công bố triển khai giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2-4,5% cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Động thái mới nhất của nhà băng này được xem là một trong những động thái giảm lãi mạnh nhất thị trường vốn hiện tại.
Cùng với đó là những hỗ trợ "mềm" đến từ việc nới lỏng điều kiện vay, giảm nhiều loại phí... giúp người đi vay tiếp cận gói vay giá rẻ dễ dàng hơn giữa lúc thách thức bao trùm nền kinh tế hiện nay.
Động thái các ngân hàng "bơm vốn" giải cứu DN theo các chuyên gia kinh tế là hành động thiết thực để các ngân hàng tự giúp chính mình
Theo đó, với những giải ngân mới ngân hàng này sẽ tự động giảm lãi mà không cần khách hàng đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải, miễn phí cam kết rút vốn, phí hạn mức tín dụng dự phòng. Hoạt động hỗ trợ hiệu lực từ 31/3.
Hỗ trợ của HDBank được đánh giá là có ý nghĩa thực tiễn trong giai đoạn hiện nay khi bài toán lớn nhất của thị trường không nằm ở con số hàng chục nghìn tỷ hỗ trợ vay, mà là làm thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận gói vay giá rẻ. Đặc biệt trong giai đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực đình trệ, việc chứng minh tài sản, thiệt hại, đáp ứng yêu cầu của nhà băng như thông lệ, sẽ rất khó khăn.
Trước đó, HD bank cùng nhiều ngân hàng khác đã công bố những khoản vay hỗ trợ hàng chục nghìn tỷ đồng "cứu" doanh nghiệp.
Cụ thể, gói tín dụng 10.000 tỷ đồng của nhà băng này hỗ trợ bình ổn giá hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm với lãi suất từ 6,5% mỗi năm, dành cho doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho các chuỗi siêu thị. Gói 5.000 tỷ đồng tài trợ ưu đãi phê duyệt nhanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng với lãi suất ưu đãi từ 6,5%, gói 3.000 tỷ đồng tài trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị, vật tư y tế. Gói 1.000 tỷ đồng hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời tài trợ tín chấp cho chuỗi nông nghiệp nông thôn, đảm bảo sản xuất cung ứng lúa gạo, tiếp sức cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang khó khăn vì hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều ngân hàng lớn khác cũng gia nhập lực lượng "ứng cứu cấp tốc" cho doanh nghiệp với những động thái hỗ trợ tương tự như giảm lãi, miễn giảm phí, nới điều kiện vay... giúp doanh nghiệp phần nào giải tỏa áp lực về vốn hiện tại. Trong đó, BIDV hạ lãi suất cho vay mới 0,5-1,2% theo từng kỳ hạn. VIB giảm đến 0,5-2% lãi suất cho các khoản nợ hiện hữu. Vietcombank cam kết sẽ có gói tín dụng 30.000 tỷ với lãi suất cho vay giảm 2-2,5% so với mặt bằng hiện nay...
Ông Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường và Giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng ngân hàng hiện nay đóng vai trò tối quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đang lâm cảnh thiếu hụt kinh phí để trả lương cho người lao động, thậm chí không có đủ tiền để thanh toán các khoản vay hiện hữu và đảm bảo nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh buộc các nhà băng phải tính toán lại bảng cân đối kế toán, hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng vì dịch.
Theo Vụ trưởng Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Quốc Hùng, tính đến 4/3, ít nhất 926.000 tỷ đồng dư nợ của 23 nhà băng, tương đương 11% dư nợ toàn ngành bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Việc Ngân hàng Nhà nước bơm gói tín dụng 250.000 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng là giải pháp kịp thời trước mắt, vừa giúp doanh nghiệp vừa giúp ngân hàng bởi theo các chuyên gia kinh tế việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng là ngân hàng tự giúp chính mình.
Theo chuyên gia Nguyễn Đức Độ, hành động này của Ngân hàng Nhà nước là kịp thời, giúp nợ xấu không tăng vọt. Hơn nữa, nhà băng không mất chi phí trích lập dự phòng và vẫn có nguồn vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Khánh Yên