Cọ ỏm của đồng bào dân tộc Tày.
Cọ ỏm của đồng bào dân tộc Tày.

Cây cọ gắn với người dân miền núi Hà Giang, ở các vùng có nhiều đồi cọ hầu như mọi mái nhà đều được lợp bằng thứ lá cây to nhất trong rừng, núi này. Nên người dân quê tôi quý cây cọ coi thứ cây này như một phần quan trọng trong đời sống của mình. Quả cọ dài bằng quả trám nhưng thuôn mập nhiều thịt hơn, vỏ mỏng màu tím xanh, hạt to mọc thành chùm trên phần cành hoa mọc riêng theo mùa trên ngọn cao nhất cây cọ. Mùa hái quả cọ, những người miền rừng đi từ sáng lên núi, hành trang mang theo có bao tải, dao và một cái nồi nhôm con con để ỏm cọ ăn thử. Đến đồi cọ gặp cây thấp họ dùng sào tre rung vài quả xuống rồi ỏm thử nếu ngon mới rung lấy hết, gặp cây cao từ 5 đến 10 mét thân xù xì vươn lên cao vút thì phải tìm cách trèo lên mới có thể hái quả cọ.

Trèo cây cọ không dễ chút nào, thân cây cọ được bọc lại từ các bẹ đầu cành nhiều gai và theo thời gian nhiều bẹ thân đã mục ruỗng khi trèo dễ bị gẫy, trượt rất nguy hiểm. Trèo cọ không thể ôm và trượt lên như leo trèo các cây thông thường mà cần phải bắc thang tre mới lên tới ngọn được. Thang tre được chặt trong rừng, dùng lạt buộc áp vào thân cây cọ, còn thêm hai người giữ thang một người nhanh nhẹn sẽ đảm nhận việc trèo lên. Cọ rụng rào rào, người ở dưới nhặt lấy vội vàng rồi nhanh chóng nhóm lửa đổ nước vào nồi nhỏ mang theo hoặc ống bương đun nước nóng để ỏm cọ nếm thử. Gặp cây cao mất bao công trèo nhưng không ngon thì oải lắm, phải cây có quả ngon thịt dẻo hương thơm nhiều mỡ thì mừng lắm. Nên người đi hái quả thường ghi nhớ trong lòng đồi nào có cây cọ ngon, rừng nào có nhiều cọ nếp để nhớ mùa sau còn đến mà thu lấy không cần thử nữa. Một cây cọ có từ 3 đến 5 cành hoa kết quả, được mùa có thể hái đến 70 cân vừa đủ nhà ăn còn có thể bán lấy tiền.

Những ngày xa xưa trước đây cọ cũng là quả cứu đói mùa giáp hạt của người miền núi chúng tôi. Tháng củ mật đói nghèo trên núi mùa này cũng chỉ còn thứ quả trên thân cây gai xù xì này có thể ăn no bụng hoặc bán đổi lấy tiền, mua gạo được. Cọ ỏm trong nồi lớn từ sáng sớm váng mỡ nổi vàng ươm trên mặt nước, bám vào thành nồi dầy như mỡ lợn. Đó là nồi ỏm cọ trong ký ức của biết bao đứa trẻ miền núi. Cọ ỏm xong người lớn buộc thành túi nhỏ chừng 25 quả gánh trong sọt tre mang ra chợ thị xã bán. Trẻ con ở nhà được bớt riêng một giỏ đầy ăn thay cơm bữa sáng.

Cọ ăn không ngấy nên ăn được nhiều bỏ lớp vỏ hơi chát ra là có thể vừa nhâm nhi cho ấm bụng, cũng có khi gặp cây cọ ngon béo quá ăn cả vỏ không bỏ chút nào luôn. Quả cọ ăn rất tốt cho đường ruột nên càng được nhiều người ưa thích. Lớp mỡ vàng từ quả cọ ngày xưa được các bà các mẹ dùng lông gà quệt lấy cho vào lọ để dùng thay cho mỡ lợn xào nấu thức ăn qua mùa đông nghèo. Thứ mỡ cọ ấy còn được bôi lên tóc trẻ con để đuổi chấy, rận rất tốt còn giúp cho tóc mượt hơn nữa.

Quả cọ ỏm qua nước sôi chừng 70 độ là chín, không cầu kỳ chế biến nhưng cũng nhiều người lấy thịt quả làm xôi cọ, bánh dày cọ ăn như một món mỹ vị ít khi được thưởng thức. Giờ đây cuộc sống khấm khá, đời sống đã no đủ quả cọ là món ăn chơi, đặc sản theo mùa của người thành thị. Nhưng người hái cọ bây giờ là dân buôn nhiều hơn, họ hái cọ về bán cho người ỏm đi bán ngoài chợ. Cọ bán theo túi, cân cũng được giá nên giúp người miền núi có thêm nguồn thu lúc nông nhàn. Cọ vẫn bùi ngùi hương vị núi rừng ấy vẫn được người ta tìm ăn mỗi khi mùa Đông.

Theo Báo Hà Giang