Theo đó, UBND tỉnh giao Sở VH-TT&DL chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức sự kiện “Tuần văn hóa, thể thao và du lịch Quảng Nam”. Trong đó yêu cầu lưu ý nghiên cứu, chuẩn bị nội dung cụ thể các hoạt động, sản phẩm du lịch có tính chất mới, sáng tạo, đảm bảo hiệu quả, thu hút nhiều khách du lịch đến Quảng Nam.
Với sự kiện Festival Mỳ Quảng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, UBND tỉnh giao Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Quảng Nam chủ trì, phối hợp Sở VH-TT&DL cùng cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể, vận động xã hội hóa để triển khai thực hiện.
Trước đó, vào năm 2022, tại thị xã Điện Bàn từng diễn ra ngày hội mỳ Quảng với chủ đề “Tinh hoa mỳ Quảng - Phú Chiêm”. Tháng 8/2024, tri thức dân gian mỳ Quảng được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể.
Từ Đà Nẵng trở vào miền trong, nơi nào cũng có mì Quảng. Món mì Quảng theo chân người Quảng tỏa đi khắp nơi, nhưng phải về đúng xứ Quảng Nam-Đà Nẵng bạn mới hiểu được giá trị tinh túy của tô mì Quảng qua tô mì truyền thống của đất này, đó là thương hiệu mì Phú Chiêm.
Không ai biết được tô mì Phú Chiêm có tuổi đời 400 hay 500 năm, như tuổi lịch sử của xứ này, riêng các bà, các chị làm nên tô mì Phú Chiêm khẳng định là từ khi họ có mặt trên đời này, đến nay tô mì vẫn giản dị với chừng đó nước, gia vị đi kèm.
Đất Điện Phương, Điện Bàn giới thiệu mình bằng nhiều món ăn, đặc sản thương hiệu danh tiếng. Đó là món bê thui Cầu Mống, món mì Phú Chiêm… Đi về hướng đông, qua làng Thanh Chiêm là đến đất Phú Chiêm.
Lê Dũng