Mức độ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang báo động - Hình 1

Mức độ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động  (Ảnh minh họa)

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Phương Nam, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, lượng tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam đứng thứ 3 châu Á, 64 thế giới, với mức trung bình 8,3 lít năm 2016 (trong khi trước đó chỉ là 3,8 lít năm 2003).

TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động cần phải được kiểm soát chặt chẽ để giảm mức tiêu thụ. 

Cụ thể, năm 2017, sản lượng bia là 4,006 tỉ lít bia. Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỉ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỉ lệ uống rượu bia ở cả 2 giới ngày càng gia tăng.

Về mức độ tiêu thụ rượu, bia nếu quy đổi ra số lít cồn nguyên chất thì bình quân người trên 15 tuổi/năm ở Việt Nam đã tăng nhanh. Theo đó, bình quân người trên 15 tuổi/năm tăng từ 3,8 lít trong giai đoạn 2003-2005 lên 6,6 lít trong giai đoạn 2008-2010 và lên tới 8,3 lít vào năm 2016 - đã tăng tới 118%.

Từ thực tế trên, Quốc hội đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế khẩn trương xây dựng dự án luật phòng chống tác hại của rượu bia nhằm kiểm soát nhu cầu sử dụng rượu bia, nguồn cung rượu bia để làm thế nào giảm được nhu cầu sử dụng, vấn đề sức khỏe, giao thông và việc phát triển nền kinh tế.

Theo đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), để đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu bia, về hoạt động quảng cáo, trong Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia sẽ siết chặt đối với các hoạt động quảng cáo các sản phẩm này tới người dân. Bộ Y tế cũng đề xuất nghiêm cấm quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ trong các chương trình, kênh truyền hình, phim và ấn phẩ khác có đối tượng trẻ em, trên các phương tiện giao thông, phương tiện quảng cáo ngoài trời, trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử, trừ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu bia.

“Kiểm soát soát quảng cáo là một trong ba giải pháp quan trọng mà các nước hướng tới để giảm sử dụng rượu bia. Hiện nay, trên thế giới đã có 17 nước đã cấm hoàn toàn trên các phương tiện truyền thông, có 80 quốc gia cấm một phần”, đại diện Vụ pháp chế cho biết.

 H.M