Trong năm 2021, với bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch bên cạnh việc đảm bảo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, trong đó đã tập trung phát triển thị trường tài chính thông qua: Phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư, phát triển; Phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội; Hoàn thiện chế độ tài chính đối với tổ chức tài chính vi mô, chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

Những giải pháp trên đã góp phần phát triển thị trường vốn ngày càng hoàn thiện về cấu trúc và quy mô, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường tài chính ngày càng phát triển theo hướng cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, giữa thị trường trái phiếu chính phủ và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt mục tiêu đến 2045 Việt Nam sẽ là một nước phát triển, thúc đẩy sáng tạo, phát triển của người dân và doanh nghiệp. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển: “xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia; cơ cấu lại, tăng cường giám sát và điều tiết thị trường tài chính... Tiếp tục rà soát, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động các thị trường tài chính, chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu; quản lý chặt chẽ các tổ chức tham gia thị trường, bảo đảm tính thanh khoản cao và an toàn hệ thống. Nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán để thực sự trở thành một kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế”. Đối với thị trường tài chính, các đột phá chiến lược trong thời gian tới sẽ gắn với cơ cấu lại thị trường, khơi thông và phát huy tiềm lực của thị trường, đáp ứng nguồn lực cho phát triển kinh tế, đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số, hướng tới thị trường tài chính hiện đại, minh bạch, bền vững.

Bám sát trên quan điểm của Đảng, nhà nước ta về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; căn cứ trên định hướng của Chính phủ về Chiến lược Tổng thể về phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030, trong đó Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán và Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm là các chiến lược nhánh quan trọng. Mục tiêu phát triển thị trường vốn trong thời gian tới là trở thành kênh huy động vốn và thị trường giao dịch công khai minh bạch, phản ánh đúng đắn, trung thực hoạt động của nền kinh tế; đồng thời tạo ra các công cụ bảo vệ các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội và tăng năng lực cạnh tranh của thị trường.

Để triển khai mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, việc phát triển thị trường vốn cần được triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát từ hoàn thiện khung khổ pháp lý, phát triển toàn diện các cấu phần thị trường, đa dạng sản phẩm, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ thị trường đến tăng cường quản lý giám sát, đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, an toàn, hiệu quả.

Anh Minh