(Ảnh: TTXVN)
(Ảnh: TTXVN) 

Tiếp tục kế thừa kết quả đã đạt được, những định hướng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các văn kiện trình Đại hội tiếp tục là "kim chỉ nam" để nâng cao hơn nữa mức độ hoàn thiện của chính sách và tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế - khẳng định trụ cột của nền an sinh xã hội nước nhà trong giai đoạn mới, góp phần vào sự tiến bộ và công bằng xã hội, đưa đất nước phát triển bền vững.

Một trong những định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021- 2030 được nêu rõ tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đó là “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ Đảng, Nhà nước nỗ lực bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân.

Bắt đầu từ khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới, trước những đòi hỏi từ thực tiễn, Đảng và Nhà nước ta đã có những định hướng phù hợp về chính sách an sinh xã hội trong tổng thể hệ thống chính sách xã hội, hướng vào mục tiêu phát triển con người. Điều đó được thể hiện rõ nét thông qua những quan điểm, định hướng, mục tiêu, giải pháp trong bảo đảm an sinh xã hội, mà trụ cột là thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đã được thể hiện trong nhiều văn kiện của các kỳ Đại hội, các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, như: Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội…

Có thể khẳng định rằng, đây chính là những định hướng, nền tảng quan trọng để hệ thống chính sách xã hội nói chung, mà cốt lõi là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm… từng bước được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới. Đồng thời, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, thực hiện các chính sách an sinh xã hội cũng được tăng cường mạnh mẽ, cùng với sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần lan tỏa các chính sách an sinh xã hội, mở rộng diện bao phủ và có sức ảnh hưởng tích cực trong cuộc sống của mỗi người dân.

Để cụ thể hóa quan điểm, đường lối, định hướng và nội dung liên quan của Nghị quyết Đại hội XIII thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với tình hình trong nước, quốc tế và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời gian tới, ngày 20/5/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề đảm bảo duy trì, thực hiện an sinh xã hội. Trong đó, Nghị quyết nêu rõ: “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, nâng cao tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là cho những người yếu thế, người nghèo…”

Nhằm tạo sự thống nhất trong toàn Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam về quán triệt và thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII, góp phần cụ thể hóa và tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu đề ra trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra; đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức cơ sở Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của các cán bộ, đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ký Quyết định số 657/QĐ-BHXH ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/05/2021 của Chính phủ.

Theo đó, Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện hiệu quả các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện; phấn đấu thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân; sử dụng, quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đảm bảo an toàn, hiệu quả. Xây dựng Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và người lao động thuộc khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35 % lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 85% dân số; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.

Trước hết, để đạt được những mục tiêu trên, trong thời gian tới, toàn Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tăng cường xây dựng  Đảng về chính trị, coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức; tiêp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai và tiếp tục thực hiện các Chương trình, Kế hoạch trọng tâm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung tăng nhanh diện bao phủ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, tăng cường công tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/3/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TW; Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/8/2018 của Chính phủ về giao chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tiếp tục tham mưu hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; triển khai có hiệu quả Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Dược và các Nghị định, văn bản hướng dẫn, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung tăng cường công tác quản lý chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tổ chức chi trả đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ cho người hưởng, đảm bảo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương về tài chính – ngân sách nhà nước, quản lý tài chính các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của Ngành.

Ngoài ra, đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực an sinh xã hội; kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Xây dựng vị trí việc làm và rà soát, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành trong giai đoạn mới. Đặc biệt, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đồng thời quyết tâm thực hiện đạt mức cao nhất nhiệm vụ đã được Chính phủ giao, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia  bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

 Hà Anh