Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội nghị
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị

 Dự Hội nghị còn có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và hơn 100 nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách BHXH, BHYT của các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, năm 2020, ngành BHXH Việt Nam đã tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước do dịch bệnh và thiên tai. Song nhờ có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quyết tâm, đồng lòng, nỗ lực, cố gắng cao nhất, toàn Ngành đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, qua đó tiếp tục củng cố vai trò, vị trí của BHXH Việt Nam trong việc tổ chức, thực hiện có hiệu quả hai chính sách an sinh xã hội lớn của đất nước và đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

Công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được giao. Diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,164 triệu người tham gia, đạt 32,7% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện là trên 1,128 triệu người, tăng gấp 2 lần  so với năm 2019, bằng cả 12 năm trước cộng lại, đạt khoảng 2,1% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,1% so với chỉ tiêu năm 2021 Nghị quyết số 28 đặt ra; trên 13,324 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 27% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 29% so với năm 2015.

Đặc biệt, chỉ tiêu bao phủ BHYT có bước tăng trưởng ấn tượng: Số người tham gia BHYT khoảng 88 triệu người, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015. So với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%. Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn.

Công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT: Đảm bảo quyền lợi người tham gia, thụ hưởng chính sách luôn được ngành BHXH Việt Nam thực hiện kịp thời, đúng quy định; đặc biệt, với phương thức quản lý hiện đại, hoạt động của toàn ngành BHXH Việt Nam đã được đổi mới theo hướng phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công (DVC) trực tuyến, thanh toán trực tuyến, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Trong bối cảnh thiên tại, dịch bệnh, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt như: chi trả lương hưu tại nhà, chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT, cấp thuốc BHYT, sử dụng thẻ trên ứng dụng VssID thay thẻ BHYT giấy đối với các tỉnh vùng thiên tai…

Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin: Với phương châm lấy người dân làm trung tâm phục vụ, BHXH Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên tập trung nguồn lực cho công tác này. Ngành thường xuyên rà soát, cắt giảm hồ sơ, thủ tục không cần thiết, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH; chuyển đổi mạnh mẽ tác phong làm việc sang phục vụ vì sự hài lòng của tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng chính sách.

Đến nay, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp các DVC mức độ 4 cho tất các thủ tục hành chính của Ngành, đưa vào sử dụng ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số. Dự kiến trong quý I/2021, sẽ hoàn thành việc cung cấp, liên thông 100% dịch vụ công mức độ 4 của Ngành trên Cổng DVC quốc gia.

Công tác thông tin, truyền thông chính sách BHXH, BHYT được đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp theo tinh thần Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương, Quyết định số 1676 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT ở các cấp các ngành; tạo sự đồng thuận trong tổ chức thưc hiện và củng cố thêm niềm tin, sự yên tâm của Nhân dân vào chính sách BHXH, BHYT; qua đó chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đánh giá: BHXH Việt Nam là một trong những cơ quan của Chính phủ triển khai hiệu quả, thiết thực công tác đổi mới, hiện đại hóa, tinh giản đầu mối bộ máy hành chính, cải cách hành chính và mạnh dạn tin học hóa một cách thực sự. Kết quả đó không chỉ phục vụ cho công tác quản trị của Ngành, mà BHXH Việt Nam đã trở thành một trong những điểm nút kết nối quan trọng của mạng lưới hệ thống CNTT để quản trị đất nước.

Bước sang năm 2021, với quyết tâm cao nhất trong thực thi nhiệm vụ, gắn với phương châm hành động: “Kỷ cương, đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, trong năm 2021, toàn Ngành BHXH Việt Nam sẽ tập trung triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao: số người tham gia BHXH đạt khoảng 35,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia BH thất nghiệp đạt khoảng 28,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,5% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ khoảng 91,58% dân số.

Có thể khẳng định, để đạt được kết quả này, BHXH Việt Nam đã luôn nỗ lực, cố gắng, chủ động, bám sát các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ các nhà báo phóng viên, biên tập viên, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đã tích cực đồng hành cùng BHXH Việt Nam trong công tác thông tin, truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

 PV