Trước đó, theo hướng dẫn của Hà Nội, lao động tự do muốn được nhận hỗ trợ, phải làm đơn theo mẫu, bản photo chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, kèm hộ khẩu thường trú. Nếu là lao động tạm trú phải có thêm xác nhận tình trạng cư trú và xác nhận tại nơi đăng ký thường trú. Giấy tờ nộp lên phường, chờ các cấp xét duyệt trong 8 ngày.
Trong quá trình hỗ trợ, nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do), người lao động trong thời gian giãn cách xã hội, bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền không thể về nơi cư trú hoặc thường trú để xin xác nhận theo quy định. Đây là vướng mắc khiến việc chi trả hỗ trợ gặp khó khăn.
Do đó, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH hôm nay đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội đề xuất tháo gỡ khó khăn cho lao động tự do bị mất việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đã được UBND TP thống nhất với đề xuất của Sở.
UBND TP giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan hướng dẫn hoàn thiện thủ tục, hồ sơ linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Sở LĐ-TB&XH đã có công văn hỏa tốc gửi tới UBND các quận, huyện, thị xã về việc tháo gỡ khó khăn trong việc xác nhận để hưởng chế độ hỗ trợ.
Theo đó, Sở đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan tiếp nhận hồ sơ để xem xét, giải quyết chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) thuộc đối tượng và đủ điều kiện quy định nhưng người lao động không thể về nơi thường trú hoặc nơi cư trú để xác nhận theo quy định.
Đồng thời tổ chức tiếp nhận hồ sơ người lao động hàng ngày bằng các hình thức thuận lợi nhất cho người lao động như: Trực tiếp, bưu điện, email, trực tuyến...; linh hoạt trong việc giảm thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động.
Ngoài ra, tổ chức thẩm định, xét duyệt hồ sơ, lập danh sách và công khai với cộng đồng dân cư, niêm yết công khai, hỗ trợ kịp thời cho người lao động.
UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan gửi thông tin người lao động đã được nhận hỗ trợ đến nơi người lao động thường trú/tạm trú bằng các hình thức linh hoạt (qua email, hòm thư công vụ, bưu điện...); công khai danh sách trích ngang các trường hợp được hỗ trợ trên trang thông tin của đơn vị để đảm bảo người lao động được hưởng đúng nguyên tắc quy định của Chính phủ và tránh việc trục lợi chính sách.
Bảo Lâm