Bất kỳ ai từ 50 tuổi trở lên đều có thể tiêm liều nhắc lại thứ hai, ít nhất bốn tháng sau lần tiêm nhắc lại đầu tiên và không xét đến loại vaccine họ đã được tiêm lần đầu, FDA thông tin.
Theo FDA, có bằng chứng mới nổi lên cho thấy hiệu quả chống lại nhiễm bệnh có triệu chứng và bệnh nặng do biến thể Omicron gây ra sẽ giảm từ ba đến sáu tháng sau khi được tiêm liều tăng cường ban đầu.
Tiến sỹ Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Sinh học của FDA, nêu trong thông cáo: "Bằng chứng hiện tại cho thấy, một số yếu tố bảo vệ chống lại hệ quả nghiêm trọng từ Covid-19 ở những người lớn tuổi và suy giảm miễn dịch bị mất dần theo thời gian. Dựa trên phân tích dữ liệu mới, liều tăng cường thứ hai của vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna có thể giúp tăng mức bảo vệ này ở những người có nguy cơ cao"
"Ngoài ra, dữ liệu cho thấy, liều nhắc lại ban đầu là rất quan trọng trong việc giúp bảo vệ tất cả người lớn khỏi những hệ quả nghiêm trọng tiềm tàng từ Covid-19. Vì vậy, những người chưa tiêm liều nhắc lại ban đầu được khuyến khích tiêm", ông nói thêm.
Với việc cho phép tiêm liều nhắc lại thứ hai của FDA, các nhà cung cấp sẽ có thể bắt đầu tiêm mũi tăng cường thứ hai cho nhóm đối tượng nêu trên, sau khi Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Tiến sỹ Rochelle Walensky chấp thuận.
Theo Giám đốc CDC, Tiến sỹ Rochelle Walensky, việc tiêm nhắc lại đặc biệt quan trọng với những người từ 65 tuổi trở lên và những người từ 50 tuổi trở có các tình trạng y tế tiềm ẩn làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng do Covid-19. "Họ là những người có nhiều khả năng được hưởng lợi nhất khi tiêm liều nhắc lại bổ sung vào thời điểm này" - bà nói.
Tuy nhiên, các quan chức y tế của FDA đã không triệu tập bất kỳ cuộc họp nào của ủy ban cố vấn để thảo luận đơn xin cấp phép tiêm mũi nhắc lại thứ hai.
Trước đó, một nhóm chuyên gia bên ngoài của FDA cũng đã không đồng ý với quyết định của lãnh đạo cơ quan này về việc mở rộng phạm vi tiếp cận các mũi tiêm tăng cường.
Minh An (T/h)