Mỹ phẩm có tác dụng "điều trị", "trị" như thuốc?
Theo khảo sát của PV Thương hiệu và Công luận, hiện đang có rất nhiều website đăng thông tin giới thiệu, quảng cáo và bán các sản phẩm mỹ phẩm nhãn hiệu Dr. Mai có tác dụng "trị", "điều trị" mụn, …như thuốc chữa bệnh.
Cụ thể, tại website https://drmaichinhhang.vn/ đang quảng cáo, rao bán sản phẩm “Dr. Mai – Herbal Acne Serum” với mức giá 260.000 đồng/sản phẩm kèm theo nội dung quảng cáo “Dr. Mai – Herbal Acne Serum” có công dụng: “Điều trị tất cả các loại mụn nặng, viêm, sưng; Tiêu diệt mụn, gom cồi mụn nhanh chóng, không bong tróc, không tái tạo da; Ngăn ngừa mụn viêm nhiễm, hạn chế mụn tái phát; Phù hợp mọi loại da, mọi loại mụn…”.
Cũng tại địa chỉ website trên, đang quảng cáo “Serum trị mụn Dr. Mai nguyên chất có công dụng chủ đạo về trị mụn được chiết xuất từ các thành phần có công dụng kháng viêm, làm giảm sưng tấy, kiềm dầu, làm se khít lỗ chân lông”; “Dr. Mai Mix Saffron được sử dụng vào giai đoạn cuối liệu trình trị mụn, giúp trị mụn còn sót lại, điều trị thâm, làm dịu làn da…”.
Hay như tại website https://maivietnam.com.vn/ sản phẩm “Combo 2 nguyên chất + 1 mix saffron trị mụn Dr. Mai chính hãng giảm mụn - mờ thâm” đang bán với giá 670.000 đồng/bộ sản phẩm, được quảng cáo với những lời có cánh như: “100% từ các loại thảo mộc thiên nhiên của Việt Nam… trị mụn nhẹ, kháng viêm, làm đều da, mờ thâm”.
Tương tự, tại website https://drmaitrimun.com/ đang quảng cáo sản phẩm Serum Dr. Mai có công dụng: “Hỗ trợ điều trị các loại mụn viêm sưng, làm dịu những vùng da bị mụn viêm, mụn mủ; Phục hồi da sần sùi lâu năm, giúp da căng bóng mịn màng hơn; Ngăn ngừa, sẹo, lão hóa, nám sạm, tàn nhang ở những vùng bị tổn thương do mụn; Phòng chống lão hóa da, ngăn ngừa da chảy xệ, tăng độ đàn hồi cho da…”.
Còn tại địa chỉ website https://maithaomoc.org/ giới thiệu: “Dr. Mai Nguyên Chất là sản phẩm hỗ trợ trị mụn vô cùng hiệu quả và an toàn, là sự tiếp nối của sản phẩm hỗ trợ Trị Mụn Mai Thảo Mộc”; “Dr. Mai Nguyên Chất là sản phẩm hỗ trợ trị mụn được sản xuất và phân phối bởi Công Ty Mỹ Phẩm M.A.I Việt Nam. Tiền thân của công ty M.A.I Việt Nam là Công Ty TNHH TM DV Mai Mai Phương. Hiện sản phẩm này đang được rất nhiều các chị em đánh giá rất cao về chất lượng sản phẩm. Sản phẩm có công dụng vượt trội, giá thành vừa phải, là sản phẩm hỗ trợ trị mụn phù hợp cho cả Nam và Nữ…”.
Điều này, khiến người tiêu dùng hiểu lầm các sản phẩm được chào bán ở các địa chỉ website trên là thuốc chữa bệnh.
Quy định về quảng cáo mỹ phẩm
Trao đổi với PV Thương hiệu và Công luận, Luật sư Đặng Văn Dũng (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cho biết, việc quảng cáo mỹ phẩm ngoài phải tuân thủ điều kiện chung được quy định tại Điều 4; Điều 6, Điều 15 Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2015 của Bộ Y Tế; còn phải đáp ứng đủ điều kiện được quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 20 của Luật quảng cáo 2012, Điều 4 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013.
Theo đó, việc quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế; Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về dược; Tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có).
Đồng thời, phải có đầy đủ các nội dung gồm Tên mỹ phẩm; Tính năng, công dụng của mỹ phẩm; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế.
Nội dung quảng cáo không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế khác; Tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc...
Việc công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Trong đó các từ như “trị”, “điều trị” “đặc trị” không được chấp nhận trong việc công bố tính năng mỹ phẩm theo từng loại sản phẩm, đã được quy định tại Hiệp định mỹ phẩm Asean; Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm; Công văn 1609/QLD-MP về hướng dẫn phân loại mỹ phẩm, công bố tính năng mỹ phẩm.
Theo Luật sư Đặng Văn Dũng, Bộ Y Tế đã nêu rõ, đặc tính của mỹ phẩm là tạo nên các ảnh hưởng/hiệu quả không vĩnh viễn và cần phải sử dụng thường xuyên để duy trì hiệu quả. Các sản phẩm điều chỉnh vĩnh viễn, phục hồi hoặc làm thay đổi chức năng cơ thể bằng cơ chế miễn dịch, trao đổi chất hoặc cơ chế dược lý không được phân loại là mỹ phẩm.
Do đó, việc sử dụng "trị", "điều trị", "chữa trị", "đặc trị" là đã vi phạm một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính từ 15 - 20 triệu đồng, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo, theo khoản 3 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 (sửa đổi tại Nghị định 129/2021/NĐ-CP).
"Trường hợp sử dụng các từ như “trị”, “điều trị” “đặc trị” khi quảng cáo mỹ phẩm có thể coi là hành vi có dấu hiệu của tội “Quảng cáo gian dối” được quy định tại Điều 198 BLHS 2015, sửa đổi 2017. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Để hạn chế tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật. Bên cạnh việc cần thiết tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên chung tay phản ảnh các hành vi quảng cáo sai sự thật bằng cách gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết", Luật sư Dũng nhấn mạnh.
Mới đây, Cục Quản lý Dược đã có văn bản số 3141/QLD-MP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc, tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm.
Cục Quản lý Dược nêu rõ, hiện nay, qua công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về sản xuất, buôn bán mỹ phẩm, vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng với địa chỉ trong hồ sơ công bố; thay đổi địa điểm sản xuất, kinh doanh mà không báo cáo với cơ quan quản lý theo quy định; chưa tuân thủ đầy đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm không đạt chất lượng, mỹ phẩm chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố theo quy định; một số sản phẩm mỹ phẩm ghi tính năng công dụng gây hiểu nhầm là thuốc….
Từ thực tế trên, để thực hiện tốt công tác quản lý mỹ phẩm, bảo đảm an toàn cho người sử dụng, quyền lợi của người tiêu dùng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn; Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 địa phương, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra mỹ phẩm lưu thông trên thị trường.
Trong đó, tập trung kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội Facebook, TikTok, Zalo, Youtube... nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm giả, mỹ phẩm lưu thông chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; quảng cáo mỹ phẩm có tính năng, công dụng vượt quá tính năng và bản chất vốn có của sản phẩm, không phù hợp với tính năng, công dụng sản phẩm đã công bố;
“Xử lý, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán mỹ phẩm theo quy định hiện hành. Thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người sử dụng”, Cục Quản lý Dược nhấn mạnh.
Hoàng Bách