Quảng cáo công dụng của mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh

Quảng cáo mỹ phẩm ngoài phải tuân thủ điều kiện chung được quy định tại Điều 4; Điều 6, Điều 15 Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2015 của Bộ Y Tế còn phải đáp ứng đủ điều kiện được quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 20 của Luật quảng cáo 2012, Điều 4 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013.

Theo đó, việc quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế; Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về dược; Tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có).

mỹ phẩm MQ Skin - thương hiệu thuộc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu MQ
Mỹ phẩm MQ Skin - thương hiệu thuộc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu MQ

Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, cùng với hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm, những từ dùng cho quảng cáo như: đặc trị, điều trị, trị mụn, trị nám, chữa khỏi, làm lành mụn; giảm, kiểm soát sự sưng tấy phù nề; loại bỏ/giảm mỡ/giảm béo; diệt nấm; diệt virus; kích thích… không được chấp nhận dùng trong quảng cáo mỹ phẩm.

Theo quy định, mỹ phẩm là một chất hoặc chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông - tóc, móng, môi) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt. Mỹ phẩm không có tác dụng chữa bệnh hoặc thay thế thuốc chữa bệnh và không được phép kê đơn cho người bệnh.

Quy định pháp luật là vậy, nhưng hiện nay, trên thị trường đang xuất hiện sản phẩm mỹ phẩm mang thương hiệu MQ Skin được rao bán rầm rộ với những quảng cáo công dụng sản phẩm mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh có dấu hiệu trục lợi, khiến người dùng “sập bẫy”.

Cụ thể, tại website http://myphammqskin.com/ đang rao bán sản phẩm “Tái tạo da nhân sâm MQ Skin” có giá 260.000 đồng. Nội dung quảng cáo trên website này nhấn mạnh “Tái tạo da nhân sâm MQ Skin được sinh ra và mang sứ mệnh chăm sóc tất cả nhược điểm trên làn da. Không chỉ trị nám, mụn, tàn nhang mà còn tái tạo làn da đã hư tổn, giúp se khít lỗ chân lông, giúp da trắng hồng rạng rõ và tươi sáng. Sản phẩm dùng được cho mọi loại da”.

“Tái tạo da nhân sâm MQ Skin” có giá 260.000 đồng quảng cáo với nhiều
Sản phẩm được quảng cáo không chỉ trị nám, mụn, tàn nhang mà còn tái tạo làn da đã hư tổn, giúp se khít lỗ chân lông...

Cũng tại địa chỉ website trên, sản phẩm "Kem trị nám thải chì nhân sâm MQ Skin" được bán với giá 379.000 đồng cùng những lời quảng cáo như: “Kem trị nám thải chì nhân sâm MQ Skin giúp hút chì, nhả nám, hút tàn nhang, đào thải sắc tố xạm đen bên trong tầng biểu bì của da. Giúp dưỡng trắng da, se khít lỗ chân lông, kiềm dầu, căng mịn, tái tạo collagen hư tổn, nâng cơ mặt chống chảy sệ, giảm nếp nhăn. Da sẽ căng mịn mướt ngay tức thì, hiệu quả thấy rõ sau mỗi lần sử dụng”.

Hay như “Bộ trị nám cao cấp MQ Skin - Bộ siêu phẩm đánh bay nám MQSkin” có mức giá khá cao 2.750.000 đồng được quảng cáo là: “Bộ trị nám cao cấp MQ Skin - Bộ siêu phẩm đánh bay nám MQSkin giúp dưỡng trắng, ngừa thâm sạm, mờ nám, tàn nhang. Kích thích tế bào & chống lão hóa mạnh mẽ. Bù đắp dưỡng chất thiếu hụt dưới da sau 20 tuổi”; “Kem hỗ trợ điều trị nám có thể giảm tình trạng sạm nám, giúp sáng da. Là một trong những sản phẩm có tác dụng trong việc điều trị nám da hiệu quả, giúp ức chế sự hình thành sắc tố melanin trong tế bào da, nám, tàn nhang hay các đốm nâu”.

“Bộ trị nám cao cấp MQ Skin - Bộ siêu phẩm đánh bay nám MQSkin” có mức giá khá cao 2.750.000 đồng
“Bộ trị nám cao cấp MQ Skin - Bộ siêu phẩm đánh bay nám MQSkin” có mức giá khá cao 2.750.000 đồng

Tương tự, tại website https://myphammqskin.com.vn/ quảng cáo sản phẩm “Serum tái tạo da nhân sâm MQ Skin” có tác dụng: “Trị dứt điểm nám, mụn, tàng nhang, sẹo rỗ được hàng triệu khách hàng tin dùng – dùng ngay Serum tái tạo da nhân sâm MQ Skin để vĩnh biệt mụn nám tàng nhang”.

Sản phẩm “Tái tạo da nhân sâm MQ Skin” được quảng cáo như thuốc trị nám, mụn...
Sản phẩm “Serum tái tạo da nhân sâm MQ Skin” được quảng cáo như thuốc trị nám, mụn...

Website này quảng cáo sản phẩm “Serum thay da không sưng MQ Skin” có tác dụng: “Điều trị những da bị bệnh lý nhẹ như da không đều màu, lỗ chân lông to, da đen dưỡng kem hoài không trắng…”.

Người tiêu dùng “thất vọng”

Ngoài những sản phẩm kể trên, 2 website này cũng đang phân phối, quảng cáo và bán hàng chục sản phẩm làm đẹp được quảng cáo công dụng như thuốc chữa bệnh với những trừ như: “Trị”, “điều trị”, “ngăn ngừa”…. Điều này có thể khiến người tiêu dùng hiểu nhầm và ngộ nhận dùng mỹ phẩm như thuốc. Dễ dẫn đến hệ quả “tiền mất, tật mang”.

Chị Mai Thị H. sinh sống tại TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Thời gian qua, do thức đêm và ăn nhiều đồ cay nóng nên mặt tôi xuất hiện nhiều mụn. Tôi lên mạng tìm hiểu, mua các sản phẩm được quảng cáo là trị mụn để sử dụng. Nhưng khi mua về, thì mới phát hiện ra đó là mỹ phẩm chứ không phải là thuốc trị, đặc trị mụn như lời quảng cáo trên mạng.

sản phẩm làm đẹp được “nổ” công dụng như thuốc chữa bệnh với những trừ như: “Trị”, “điều trị”, “ngăn ngừa”….
Sản phẩm làm đẹp được “nổ” công dụng như thuốc chữa bệnh với những trừ như: “Trị”, “điều trị”, “ngăn ngừa”….

Dưới góc độc khách hàng, tôi rất thất vọng khi đặt nhầm niềm tin vào thương hiệu MQ Skin. Bởi, khi hỏi mua sản phẩm tôi được quảng cáo và tư vấn là “Serum tái tạo da nhân sâm MQ Skin” chuyên trị các loại nám, mụn trên da một cách hiệu quả, nhưng khi nhận hàng, kiểm tra kỹ tôi lại không dám sử dụng." - chị H. cho biết thêm

Tương tự, chị Lê Thị T. tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Tôi bị nám da mặt, thấy trên mạng quảng cáo có “Bộ trị nám cao cấp MQ Skin” cứ nghĩ đó là thuốc nên tôi đặt mua về dùng.

Nhận sản phẩm, thấy thông tin trên bao bì là sản phẩm mỹ phẩm, tôi cũng chẳng buồn khui ra, coi như đánh mất số tiền đã mua hàng. Chắc mấy hôm nữa, tôi phải đến bệnh viện nhờ bác sĩ tư vấn, chứ không tin được những sản phẩm quảng cáo, chào bán trên mạng”.

Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, xem xét 

Trước thực trạng này, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan đã ra lệnh siết chặt quản lý, kiên quyết xử phạt, buộc thu hồi, loại bỏ các yếu tố vi phạm hoặc buộc tiêu hủy đối với các trường hợp thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng mỹ phẩm có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu lầm các sản phẩm đó là thuốc.

Quy định của pháp luật là không được phép thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng mỹ phẩm không phù hợp với tính năng, công dụng đã công bố hoặc có tính năng, công dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc.

Theo giới thiệu, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu MQ tự hào là thương hiệu mỹ phẩm đạt tiêu chuẩn cGMP và trang thiết bị hiện đại hàng đầu tại Việt Nam
Theo giới thiệu, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu MQ tự hào là thương hiệu mỹ phẩm đạt tiêu chuẩn cGMP và trang thiết bị hiện đại hàng đầu tại Việt Nam

Việc sử dụng từ ngữ như "trị", "điều trị", "đặc trị", “làm lành”, “ngăn ngừa” là hành vi vi phạm, bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.

Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 15 - 20 triệu đồng, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo, theo khoản 3 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 (sửa đổi tại Nghị định 129/2021/NĐ-CP).

Theo Luật sư Đặng Văn Dũng, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, trường hợp sử dụng các từ như “trị”, “điều trị” “đặc trị” khi quảng cáo mỹ phẩm có thể coi là hành vi có dấu hiệu của tội “Quảng cáo gian dối” được quy định tại Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về xử phạt hành chính: đối với hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt hình sự theo Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối với mức phạt như sau:

Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hoàng Bách