Tàu sân bay động cơ hạt nhân Carl Vinson, Hạm đội 3, Hải quân Mỹ. Ảnh: Reuters
Mỹ tập kết vũ khí chiến lược
Theo tờ Dong-A Ilbo (Hàn Quốc) ngày 11/4, các loại vũ khí chiến lược của quân đội Mỹ lần lượt tập kết ở khu vực xung quanh bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, tháng 4 này cũng là thời gian Triều Tiên sẽ tổ chức nhiều hoạt động chính kỷ niệm ngày sinh cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành, tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên có thể gia tăng.
Đáng chú ý, ngày 8/4, từ Singapore, cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson không đến Australia theo kế hoạch, mà đổi hướng, quay trở lại bán đảo Triều Tiên. Trước đó, tàu này từng tham gia cuộc tập trận chung Foal Eagle giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Cụm tấn công tàu sân bay này chở hơn 70 máy bay chiến đấu mới nhất, có nhiều hệ thống chiến đấu Aegis và tàu ngầm hạt nhân. Sức mạnh của nó tương đương với lực lượng quân sự của một nước vừa và nhỏ.
Quan chức Hàn Quốc cho rằng, đây là hành động của Mỹ cảnh cáo Triều Tiên, ra thông điệp Mỹ hoàn toàn không khoanh tay đứng nhìn Triều Tiên thử hạt nhân và tên lửa tầm xa. Nếu Triều Tiên vượt qua giới hạn, Mỹ có thể tiến hành tấn công quân sự đối với Triều Tiên.
Trong khi đó, cụm tấn công tàu sân bay USS Ronald Reagan ở quân cảng Yokosuka, Nhật Bản cũng đã sẵn sàng cho trường hợp khẩn cấp, có thể buộc phải điều đến vùng biển Hàn Quốc.
Tháng 8/2016, tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard LHD-6 tiến hành tuần tra biển Hoa Đông. Ảnh: People.com.cn
Tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn USS Bonhomme Richard của quân đội Mỹ đang di chuyển đến bán đảo Triều Tiên, 5 máy bay không người lái Global Hawk ở căn cứ Guam Mỹ cũng sẽ triển khai ở căn cứ quân Mỹ ở Yokota, Nhật Bản, sẽ tiến hành theo dõi chặt chẽ tiến trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Sẵn sàng bắn rơi tên lửa Triều Tiên
Có nguồn tin từ Australia cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo cho các đồng minh như Australia rằng Mỹ đã sẵn sàng bắn rơi tên lửa đạn đạo Triều Tiên khi nó được Triều Tiên phóng lên trong thời gian tới.
Triều Tiên rất có thể tiến hành thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa để kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. Theo Đài tiếng nói Đức, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên có thể chuẩn bị tiếp tục tiến hành thử nghiệm hạt nhân.
Cơ sở quân sự chung của Australia - Mỹ ở khu vực Pine Gap, miền trung Australia đang tiến hành theo dõi chặt chẽ đối với khả năng Triều Tiên phóng tên lửa.
Trong một báo cáo đệ trình Thượng viện Mỹ gần đây, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Mỹ, Đại tướng Không quân Lori Jean Robinson cho biết, muốn nắm chắc tiến trình chuẩn bị phóng thử tên lửa hạt nhân của Triều Tiên rất khó khăn, nhưng Mỹ bảo đảm có khả năng bắn rơi tên lửa của Triều Tiên.
Gần đây, Mỹ liên tục tuyên bố có thể áp dụng hành động quân sự “đánh đòn phủ đầu” đơn phương đối với Triều Tiên, nhất là khi Trung Quốc không thể hỗ trợ ngăn chặn Triều Tiên phát triển lực lượng hạt nhân.
Đại tướng Lori Jean Robinson, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương, Mỹ. Ảnh: Washington Times
Triều Tiên đã “sẵn sàng chiến đấu”
Ngày 11/4, Triều Tiên lên án Mỹ điều cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson đến tuần tra ở vùng biển bán đảo Triều Tiên, đồng thời cảnh cáo tình hình khu vực này ngày càng leo thang, Triều Tiên đã làm tốt chuẩn bị “tác chiến”.
Hãng tin KCNA Triều Tiên dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói: “Điều này cho thấy hành động lỗ mãng xâm lược Triều Tiên của Mỹ đã đến một giai đoạn nghiêm trọng. Triều Tiên đã chuẩn bị tốt ứng phó với chiến tranh dưới bất cứ hình thức nào mà Mỹ muốn. Để tự vệ, chúng tôi sẽ sử dụng lực lượng quân sự mạnh, tiến hành đáp trả mạnh mẽ nhất để chống lại kẻ khiêu khích”.
Đây là lần đầu tiên Triều Tiên đưa ra phản ứng sau khi Mỹ tuyên bố điều cụm tấn công tàu sân bay đến bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, vào 9/4, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trả lời hãng tin ABC Mỹ cho hay mặc dù Mỹ muốn nhìn thấy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng Mỹ không có ý định lật đổ chính quyền Triều Tiên. Điều cân nhắc tới trong giai đoạn hiện nay là làm thế nào để xóa bỏ mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên.
Những năm gần đây, mặc dù hứng chịu các đòn trừng phạt của các nước dựa trên các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, nhưng Triều Tiên vẫn kiên trì thúc đẩy chương trình hạt nhân và tên lửa.
Triều Tiên tiếp tục thực hiện ngày càng nhiều các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa. Vụ phóng tên lửa mới nhất ra vùng biển Nhật Bản của Triều Tiên diễn ra vào sáng ngày 5/4/2017, gây lo ngại đặc biệt cho Nhật Bản.
Mặc dù vậy, nếu Mỹ triển khai hành động đánh đòn phủ đầu đối với Triều Tiên, Nhật Bản sẽ nằm trong thế vô cùng nguy hiểm. Bởi vì, khi đó Nhật Bản có thể biến thành một “chiến trường”. Đây là cục diện xấu nhất đối với Nhật Bản.
Ngày 23/6/2016, Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan. Ảnh: Sina
Nếu tên lửa tầm trung Triều Tiên được lắp đầu đạn hạt nhân hoặc vũ khí hóa học và được phóng tấn công Nhật Bản thì sẽ trở thành đòn tấn công nặng nề đối với Nhật Bản.
Có tin cho biết, dự trữ vũ khí hóa học của Triều Tiên nhiều nhất có thể lên tới 5.000 tấn, là nước sở hữu vũ khí hóa học lớn thứ ba thế giới, trong đó có khí độc Sarin, chất độc thần kinh (VX).
Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên có khả năng sử dụng pháo, rocket, tên lửa đẩy, tên lửa đạn đạo, máy bay và tàu chiến hải quân để phóng những vũ khí hóa học này.
Trong khi đó, tên lửa tầm xa và tên lửa xuyên lục địa của Triều Tiên hiện còn có thể đang ở giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm, nhưng các tên lửa tầm trung như Nodong đã phát triển tương đối hoàn thiện và đã trang bị đủ số lượng, đủ để vươn tới phần lớn lãnh thổ Nhật Bản.
Còn tên lửa tầm trung Musudan Triều Tiên cũng thể hiện khả năng phóng thành công cao, tầm bắn có thể đạt 2.500 - 4.000 km, bao trùm toàn bộ Nhật Bản. Nó được triển khai ở vùng núi phía bắc Triều Tiên.
Phong Vân - VietTimes