Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, sự lớn mạnh và trưởng thành của hệ thống NAFI trong 30 năm qua đã tạo niềm tin mạnh mẽ và điểm tựa vững vàng cho người dân và doanh nghiệp trong bảo đảm nguồn cung nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Giờ đây NAFIQPM đã trở thành “thương hiệu uy tín” không chỉ trong nước mà còn với các đối tác thương mại, các tổ chức quốc tế. Niềm vinh dự ấy được xây đắp từ những viên gạch đầu tiên cách đây 30 năm, kể từ khi Bộ Thủy sản ban hành Quyết định số 648 TS/QĐ ngày 26/8/1994 thành lập Trung tâm Kiểm tra Chất lượng và Vệ sinh Thủy sản (tên tiếng Anh viết tắt là NAFIQACEN) với vai trò là cơ quan có thẩm quyền của nhà nước có trách nhiệm tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp lý, xây dựng lực lượng và tổ chức quản lý kiểm soát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh cho tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản.
30 năm kể từ khi thành lập, NAFIQPM đã đóng góp quan trọng trong bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Điều đó được chứng minh rõ nét thông qua các chỉ số an toàn thực phẩm, chất lượng được cải thiện: Kết quả giám sát trên diện rộng cho thấy, mức an toàn thực phẩm năm 2023 đã được cải thiện đáng kể so với năm 2016, năm Quốc hội tổ chức giám sát tối cao và đưa ra nhiều quyết sách cải thiện an toàn thực phẩm (tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm gia tăng từ 91% lên 99%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm tăng từ 72% lên 92%. Tỷ lệ mẫu lấy giám sát trên diện rộng đạt an toàn thực phẩm tăng từ 92,4% lên 97,4%.
Không chỉ kiểm soát tốt an toàn thực phẩm tiêu dùng trong nước, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường còn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, nhất là các Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cập nhật thông tin thị trường, quy định mới của quốc gia nhập khẩu và chủ động đàm phán mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại để nông sản Việt ngày càng mở rộng toàn cầu.
Nhờ vậy, Ủy ban Châu Âu (EU) công nhận Việt Nam được xuất khẩu thủy sản sang EU, Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận Việt Nam có hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá da trơn hoàn toàn tương đương với Mỹ; Bộ NNPTNT và NAFIQAD đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm với các quốc gia như: Hàn Quốc, New Zealand, Trung Quốc, Liên bang Nga, Indonesia, Argentina,...; tạo điều kiện để nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ; số sản phẩm, doanh nghiệp được xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm ngày càng nhiều, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng đạt mốc trên 53 tỷ USD năm 2023. Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm 2024 ước xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40,08 tỷ USD tăng 18,6% so với cùng kỳ.
Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết, NAFIQPM đã định hướng chiến lược phát triển trong giai đoạn mới tập trung vào 4 “trụ cột”: Đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản; kích hoạt gia tăng chế biến trong từng chuỗi ngành hàng; chủ động đàm phán tiếp cận, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, truyền thông quảng bá phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: Nhiệm vụ những ngày đầu của hệ thống NAFI là đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, đưa thủy sản chinh phục vào những thị trường khó tính như EU. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, ngoài nhiệm vụ nâng cao giá trị xuất khẩu, có lẽ cần phải dành nguồn lực nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến người dân - những người đang "đắm chìm" trong hệ sinh thái sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm.
Tư duy sản xuất nông nghiệp đang thay đổi liên tục, theo hướng đảm bảo vệ sinh, an toàn, chất lượng cho mọi tác nhân trong chuỗi. Ở góc độ cơ quan quản lý, rất khó để có thể đến từng cánh đồng để “cầm tay chỉ việc” cho người dân cách thức sản xuất.
Vì thế, song song với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thậm chí xử phạt những vụ việc mất an toàn thực phẩm, còn phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân…
Minh Anh(t/h)