Quan tâm phát triển chỉ dẫn địa lý

Nông nghiệp có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và ngay cả ở thị trường trong nước. Nông nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ, đặc biệt là tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị còn yếu; chất lượng nông sản chưa đồng đều; sản phẩm không có thương hiệu, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chủ yếu là công đoạn sản xuất, giá trị gia tăng thấp.

Trước bối cảnh đó, các sản phẩm nông nghiệp cần được chứng nhận về nguồn gốc xuất xứ, về chất lượng, về đặc tính sản xuất và các tiêu chuẩn khác. Xu hướng đăng ký nhãn hiệu cộng đồng (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý) đặc biệt là chỉ dẫn địa lý là một trong những giải pháp để nâng cao giá trị, gia tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam, là công cụ tiếp cận thị trường và là cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp thương mại...

Phát triển chỉ dẫn địa lý nằm trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quyết sách khác: Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/08/2019 về Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 về Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.

Trước sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, thực tế cho thấy, đã có sự thay đổi rõ ràng về nhận thức, sự quan tâm, đầu tư của địa phương về nguồn lực đối với phát triển chỉ dẫn địa lý thông qua số lượng sản phẩm được bảo hộ ngày càng tăng nhanh. Sự thay đổi còn được thể hiện ở xu hướng cơ cấu sản phẩm đăng ký chỉ dẫn địa lý đã đa dạng hơn về chủng loại, tỷ lệ các sản phẩm chế biến tăng dần. Tuy nhiên, xu hướng liên quan đến tổ chức nộp đơn chưa có nhiều thay đổi so với các năm trước đây, cụ thể, các tổ chức nộp đơn đăng ký và là tổ chức quản lý các chỉ dẫn địa lý đều là các cơ quan hành chính nhà nước bao gồm: Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các sở Khoa học và Công nghệ, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó số lượng chỉ dẫn địa lý có tổ chức nộp đơn và tổ chức quản lý là Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố trực thuộc tỉnh chiếm số lượng lớn. Điều này cho thấy sự tham gia của các hội nghề nghiệp, các tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm chỉ dẫn địa lý vào quá trình xây dựng hồ sơ đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý vẫn còn rất hạn chế.

Do đó, để phù hợp với thực tế của các nước phát triển về chỉ dẫn địa lý trên thế giới, Cục Sở hữu trí tuệ khuyến nghị: Chủ thể nộp đơn và tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý nên là các hội, hiệp hội sản xuất kinh doanh các sản phẩm đó.

Chỉ dẫn địa lý là một trong những giải pháp để nâng cao giá trị, gia tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam
Chỉ dẫn địa lý là một trong những giải pháp để nâng cao giá trị, gia tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.

Những khó khăn và bài học kinh nghiệm

Theo lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, khi đăng ký chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần cho việc sẽ phải gặp rất nhiều khó khăn. Những khó khăn này chủ yếu là do sự khác biệt quy định pháp luật về chỉ dẫn địa lý giữa Việt Nam và các nước khác, từ thực trạng quản lý chỉ dẫn địa lý của địa phương còn yếu (đặc biệt là vai trò quản lý chỉ dẫn địa lý của Hội/Hiệp hội sản xuất và kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý), từ yêu cầu ghi nhãn hàng hóa của các nhà nhập khẩu, và từ khó khăn về kinh phí.

Chỉ dẫn địa lý (tên gọi xuất xứ) đầu tiên được bảo hộ tại Việt Nam cho đến nay mới được hơn 20 năm. Những sản phẩm được bảo hộ là chỉ dẫn địa lý đều là những sản phẩm có lịch sử sản xuất lâu dài, tuy nhiên, thực tế phần lớn các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam phải đến khi đăng ký xác lập quyền chỉ dẫn địa lý tại Cục Sở hữu trí tuệ, địa phương mới nghiên cứu về đặc tính của sản phẩm, về mối quan hệ giữa đặc tính của sản phẩm và điều kiện địa lý. Do đó, những nghiên cứu về tính bền vững đặc tính của sản phẩm trong mối liên hệ điều kiện địa lý của khu vực địa lý là không có, trong khi đây lại là vấn đề mà nhiều nước quan tâm và cũng là yếu tố ảnh hưởng đến công tác kiểm soát sản phẩm trên thị trường.

Một khó khăn nữa không thể không đề cập đến là hoạt động của Hội/Hiệp hội sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam chưa thực sự hiệu quả, vai trò của Hội/Hiệp hội trong các văn bản quản lý chỉ dẫn địa lý của địa phương còn mờ nhạt và với việc có quá nhiều bên liên quan tham gia vào công tác quản lý chỉ dẫn địa lý dẫn đến cơ quan xác lập quyền ở nước ngoài lúng túng, chưa hình dung được cách thức các Hiệp hội của Việt Nam quản lý quy trình sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý như thế nào. Điều này sẽ dẫn tới việc chậm trễ trong quá trình xem xét hồ sơ.

Bên cạnh đó, công tác quản lý các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý trên thị trường trong nước chưa được kiểm soát và triển khai quyết liệt. Thực tế, có những sản phẩm không được mang chỉ dẫn địa lý hoặc chưa đủ điều kiện mang chỉ dẫn địa lý vẫn được bày bán trên thị trường. Điều này dẫn đến hệ lụy làm giảm danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Có thể thấy, phần lớn các nước rất chú trọng trong việc xem xét thực tế sử dụng chỉ dẫn địa lý, đặc biệt là tại thị trường của nước họ. Ví dụ như, Việt Nam đã xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn sang Nhật Bản, tuy nhiên, do yêu cầu của nhà nhập khẩu mà tại thị trường Nhật Bản, sản phẩm chỉ được bày bán dưới tên gọi “Vải thiều Việt Nam”. Đây là bất lợi khi nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn sang Nhật Bản.

Yêu cầu vừa đảm bảo quy định pháp luật của nước ngoài về chỉ dẫn địa lý, vừa đảm bảo tính khoa học, vừa đảm bảo tính thống nhất với các văn bản quản lý chỉ dẫn địa lý do địa phương ban hành, và đảm bảo tính thực tế theo ghi nhận khảo sát thực địa của nước ngoài tại Việt Nam (nếu có) là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự chuyên môn cao và sâu của đội ngũ cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ và các cơ quan liên quan của Việt Nam.

Chúng ta đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình đăng ký chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài, và những bài học kinh nghiệm được rút ra chính đó là: Nghiên cứu các quy định của nước đăng ký, chuẩn bị hồ sơ một cách tốt nhất, với các loại dự án hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài nói chung, cần xác định có thời hạn dài hơn, tránh việc phải gia hạn dự án nhiều lần. Đồng thời, các khâu phê duyệt dự án, thẩm định tài chính, tổ chức tuyển chọn, đấu thầu phải được thực hiện nhanh hơn, tránh kéo dài ảnh hưởng đến thời gian của dự án. Từ bài học kinh nghiệm đăng ký chỉ dẫn địa lý sang Nhật Bản, kinh phí là một thách thức rất lớn, do đó, địa phương cần lên phương án rõ ràng về kinh phí khi tiến hành đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài.

Đặc biệt, rất cần có sự vào cuộc và phối hợp giữa của các cơ quan, tổ chức liên quan bởi đăng ký chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài là loại công việc phức tạp, liên quan đến nhiều đơn vị/bên khác nhau không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài.

Minh Anh