Nhiều thủ tục vẫn cắt giảm hình thức
Theo Nghị quyết 01 của Chính phủ năm 2018, cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh hiện hành. Trong khi đó, đại diện một số doanh nghiệp cũng cho rằng, tuy đã cắt giảm nhiều các thủ tục hành chính nhưng trên thực tế vẫn chỉ là hình thức, như việc triển khai thanh toán hoá đơn qua mạng nhưng đến nay nhiều DN vẫn chưa triển khai.
Thẳng thắn đánh giá, trong năm qua nhiều bộ ngành đã thực hiện khá nghiêm túc, đi đầu, làm gương trong công tác xóa bỏ các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điển hình có thể kể tới Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, Bộ TNMT, Bộ Xây dựng… đã cắt giảm hàng nghìn điều kiện kinh doanh, góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá, vẫn còn các điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý dẫn tới việc hạn chế khả năng gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho hành vi nhũng nhiễu… Vì vậy, trong thời gian tới các bộ, ngành vẫn cần phải tiếp tục xem xét cắt giảm các điều kiện kinh doanh đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp song vẫn phải bảo đảm công tác quản lý nhà nước, nhất là đối với những ngành nghề đặc thù.
Năm 2018 tiếp tục cắt bỏ 50% các điều kiện kinh doanh: Khó mấy cũng phải làm
Ông Đỗ Duy Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hinet cho biết: “Các thủ tục hành chính tuy đã được tinh giản nhưng vẫn còn rườm rà, trong khi đó các DN cũng chưa triển khai đồng bộ, do vậy khó trong quá trình triển khai. Việc các cơ quan chức năng thực hiện việc cắt giảm các thủ tục, điều kiện đăng ký kinh doanh giúp các DN tự chủ hơn trong SXKD. Cụ thể như việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh không giới hạn ngành nghề mà cho các DN được phép hoạt động SXKD tất cả mọi ngành nghề có thể mà pháp luật không cấm. Tuy đã cắt giảm nhiều các thủ tục hành chính nhưng trên thực tế vẫn chỉ là hình thức, như việc triển khai thanh toán hoá đơn qua mạng, nhưng đến nay nhiều DN vẫn chưa triển khai”.
Trong khi đó, đại diện Cty CP Chăn nuôi Thảo Nguyên, ông Phan Tiến Dũng cho rằng: “Khó khăn nhất của các DN hiện nay là các thủ tục cấp phép qua nhiều cửa từ xã lên đến tỉnh. Cùng đó việc vay vốn đối với các DN mới khởi động cũng là một gian nan, vì theo quy định DN phải có tài sản đảm bảo và không được thế chấp dự án và đất dự án để vay vốn. Do vậy, để tạo điều kiện cho các DN, Chính phủ cần cắt giảm nhiều hơn nữa thủ tục hành chính công, nhất là các loại giấy phép con”.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, tương ứng với 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh hiện khoảng 4.284. Tuy nhiên, hệ thống quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh hay thay đổi và có thể khó theo dõi, thống kê, cập nhật một cách chính xác, kịp thời. Thậm chí có ngành nghề đầu tư kinh doanh mà các điều kiện được quy định ở nhiều nghị định khác nhau, theo phạm vi quản lý bộ, ngành về sản phẩm, dịch vụ liên quan.
Theo đánh giá, các điều kiện đầu tư kinh doanh còn bất hợp lý, làm hạn chế gia nhập thị trường, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho hành vi nhũng nhiễu. Do đó, các bộ, ngành cần tiếp tục xem xét cắt giảm cho phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng vẫn phải bảo đảm công tác quản lý nhà nước, nhất là đối với những ngành nghề đặc thù.
Tính từ ngày 1.7.2015 (ngày Luật Đầu tư có hiệu lực) đến nay, Bộ Tư pháp đã phát hiện và kiến nghị xử lý 31 văn bản có quy định không phù hợp về điều kiện đầu tư kinh doanh, riêng năm 2017 phát hiện, kiến nghị xử lý 6 văn bản. Đến nay các bộ, ngành, địa phương đã xử lý 26/31 văn bản; còn 5 văn bản chưa được xử lý.
Năm 2018 cần tiếp tục được coi là “Năm cắt giảm chi phí” cho DN
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - nhận định: “Để kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, cần cải cách một số thể chế chính sách, khẩn trương ban hành khung pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa, củng cố định hướng chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5. Thứ nhất, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, bảo đảm chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân một cách thực chất, thông qua các chính sách hỗ trợ lãi suất, ưu đãi thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng... Thứ hai, cần triệt để cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về chế độ sở hữu rõ ràng. Thứ tư, cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị. Thứ năm, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khiếu nại, kiến nghị của DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho DN.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh là một trong những vấn đề bức bối trong hệ thống pháp luật về kinh doanh nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng. Do vậy, ông Cung đã đề nghị Thủ tướng cho cắt bỏ gần 3.000 điều kiện kinh doanh.
Ngoài ra, TS Nguyễn Đình Cung cũng nhấn mạnh: Một số giải pháp cụ thể là đặt mục tiêu tăng 14-18 bậc về môi trường kinh doanh trong năm 2018. Trong đó tập trung vào các chỉ số khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, đăng ký sở hữu tài sản, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giao dịch thương mại qua biên giới. Cần hoàn thành bãi bỏ ít nhất 1/2 hoặc 1/3 số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh. Cần hoàn thành việc loại bỏ ít nhất 1/2 số mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu. Đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm. Tiếp tục kết nối ít nhất 30 thủ tục qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Năm 2018 cần tiếp tục được coi là “Năm cắt giảm chi phí” cho DN…
Ông Võ Văn Phong, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang cho biết: “So với trước đây, các thủ tục hành chính đã được cắt giảm rất nhiều. Trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, những quy định chồng chéo tại Nghị định 36 đã được đổi mới, thay thế tại Nghị Định 55, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian. Nếu năm 2018 tiếp tục được coi là năm cắt giảm thủ tục và chi phí hành chính, thì kinh tế tư nhân chắc chắn sẽ khởi sắc và đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước”.
5 bộ đã rà soát và đưa phương án cắt giảm, sửa đổi
Đến cuối tháng 12.2017, mới có 5 bộ thực hiện rà soát và đưa ra phương án cắt giảm, sửa đổi các điều kiện kinh doanh. Bộ Công Thương đang đi đầu khi cắt giảm 675/1.216 điều kiện kinh doanh (giảm khoảng 55%).
Bộ NNPTNT đã đề xuất bãi bỏ 118/345 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý (cắt bỏ 65, sửa đổi 53 điều kiện, chiếm 34,2%). Bộ Xây dựng cũng đề xuất bãi bỏ 89 điều kiện (41,3%); đơn giản hóa 94 (43,7%); giữ nguyên 32 điều kiện (15%) trên tổng số 215 điều kiện đầu tư. Bộ KHĐT cũng tiến hành đơn giản hóa thủ tục hành chính trên 5 lĩnh vực: Thành lập và hoạt động của DN; Thành lập và hoạt động của hợp tác xã; Đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài; Đầu tư tại Việt Nam và Đấu thầu; Đơn giản hóa thủ tục đăng ký tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Bộ TTTT cũng đã thực hiện rà soát điều kiện KD, đề xuất cắt giảm, sửa đổi 51 điều kiện kinh doanh (đạt 16%).
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT) Nguyễn Bích Lâm, sự tăng trưởng của năm 2017 khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương. Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5 triệu tỉ đồng, tương đương với 223 tỉ USD; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016. Xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ ước tính đạt 213,77 tỉ USD (tăng 21,1%), đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 58,53 tỉ USD (tăng 16,2%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỉ USD (tăng 23%).
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của SSI: FDI đã và đang là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Với sự thành công của những doanh nghiệp FDI đợt 1, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI hơn nữa để có thêm những tên tuổi lớn, giúp đa dạng hóa sản phẩm mũi nhọn và giảm thiểu rủi ro.
Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm: Về những việc cần làm ngay trong những ngày đầu năm 2018, cần phải triển khai tốt những kế hoạch đã đề ra. Đây là yếu tố quyết định, triển khai tạo đà, tạo thế ngay từ đầu thì tạo được yếu tố tích cực ngay từ đầu. năm 2018 tiếp tục triển khai hội nhập, vì điểm đứng của nền kinh tế vẫn còn cách xa với thế giới. Áp dụng khoa học kỹ thuật để giải quyết vấn đề năng suất lao động được nâng cao hơn. Và cuối cùng, giải quyết triệt để cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhiều hơn cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp cảm thấy tin tưởng, được phục vụ. Nếu làm tốt những yếu tố này ngay từ những ngày đầu năm sẽ tạo ra không khí phấn khởi, tạo động lực cho nền kinh tế. Và mục tiêu tăng trưởng 6,5 đến 6,7% chắc chắn sẽ thực hiện được.
Theo Lao động