Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong năm 2020, các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định, thanh tra các Sở GTVT, thanh tra các Cục Quản lý đường bộ đã sử dụng cân xách tay kiểm tra hơn 134.000 xe, trong đó có hơn 14.000 xe vi phạm, tước hơn 5.400 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước hơn 160 tỷ đồng.

Đánh giá về công tác kiểm soát xe quá tải năm 2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường, tình trạng vi phạm về chở hàng hóa quá tải trọng đã giảm sâu; thị phần vận tải đang được cơ cấu lại hợp lý, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, ATGT.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Do lực lượng Thanh tra giao thông của các Sở GTVT chỉ được kiểm tra xe quá tải trên các quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương, tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại trên nhiều tuyến quốc lộ như QL1, QL2, QL3, QL6, QL10, QL14, QL37, QL279, đường Hồ Chí Minh và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa... Những cái tên được Tổng cục Đường bộ Việt Nam liệt kê gồm như Hải Dương, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Bình Dương, Đồng Nai...

Để kiểm soát tốt xe quá tải, trong năm 2021, Tổng cục Đường bộ sẽ tập trung hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm soát tải trọng xe. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 32/2016 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát xe quá tải.

Cũng trong năm 2021, Tổng cục Đường bộ sẽ lập và triển khai đề án kiểm soát tải trọng bằng hệ thống cân tự động đối với phương tiện giao thông đường bộ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình.

Huy Trung