Theo Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” với 08 trọng tâm chỉ đạo điều hành.

Nghị quyết nêu rõ việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế

Họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP
Họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP.

Chính phủ đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phục vụ tổ chức Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; chuẩn bị, ban hành và triển khai ngay các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo thuận lợi cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch, triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm; phát triển mạnh kinh tế biển; tăng cường liên kết vùng; phát huy vai trò các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

Phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế.

Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân; tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước.

Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo niềm tin, đồng thuận xã hội; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phối hợp công tác với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân.

Mục tiêu phấn đấu năm 2021 của Chính phủ được nêu ra là:

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP): Khoảng 6,5% (kế hoạch năm 2021 Quốc hội giao là khoảng 6%).

2. GDP bình quân đầu người: Khoảng 3.700 USD

3. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân: Khoảng 4%

4. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng: Khoảng 45-47%

5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội: Khoảng 4,8%

6. Tỷ lệ lao động qua đào tạo: Khoảng 66% (trong đó: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%)

7. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế: Khoảng 91%

8. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều: 1 - 1,5 điểm %

9. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung: Trên 90%

10. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị: Trên 87%

11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: Khoảng 91%

12. Tỷ lệ che phủ rừng : Khoảng 42%.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ kiên trì thực hiện "mục tiêu kép" để đạt được các mục tiêu đề ra trong năm nay, nghĩa là vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển nền kinh tế.

Khi được hỏi về việc trong năm 2021, sẽ có sự chuyển giao nhiệm kỳ của Chính phủ, liệu có ảnh hưởng đến việc thực hiện các kết quả kinh tế - xã hội hay không, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh không hề bị ảnh hưởng.

"Sau khi kết thúc Đại hội Đảng lần thứ XIII, việc chuyển giao nhiệm kỳ cho Chính phủ mới là điều bình thường. "Nghị quyết, mục tiêu, quyết tâm này, thông điệp này của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ là xuyên suốt tất cả giai đoạn", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, tất cả cấp, ngành phải thực hiện một cách nghiêm túc những gì mà Nghị quyết 01 và 02 đề ra. Để thành công phải triển khai một cách đồng bộ, có sự kế thừa, chủ động thực hiện ngay từ đầu.

Bộ trưởng nhắc lại việc Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”. Điều này đã được thể hiện rất rõ ngay trong Nghị quyết 01. Khát vọng phát triển là điều rất mới so với Nghị quyết các năm trước đây. Điều này thể hiện khát vọng mang tính vĩ mô, giúp Việt Nam bước vào giai đoạn mới, nhất là khi đất nước chưa bao giờ có vị thế như ngày nay.

Tại buổi họp báo, nhận được câu hỏi về thông tin chi tiết cũng như thời gian áp dụng gói kích thích kinh tế lần thứ 2 trong năm 2021, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẳng định: Thủ tướng đã giao KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan để nghiên cứu, xây dựng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng. Mục đích của gói kích thích kinh tế lần 2 là nhằm hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Theo ông Phương, dự báo trong năm 2021, tình hình COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí có thể kéo dài trong nhiều năm nữa, bởi vậy việc xây dựng gói kích kích kinh tế lần 2 là cần thiết. Tuy nhiên, những giải pháp hỗ trợ kinh tế cần phải được nghiên cứu chặt chẽ, cẩn trọng bởi nhiều bộ ngành liên quan, căn cứ trên những điều kiện về nguồn lực, về cách thức triển khai.

"Gói kích cầu lần thứ 2 sẽ được Bộ KH&ĐT nghiên cứu phối hợp cùng các ban ngành khác để báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất, có tính khả thi cao. Tại thời điểm này, Bộ chưa thể trả lời chi tiết được", ông Phương nhấn mạnh.

Mới đây, Bộ KH&ĐT có gửi công văn tới các bộ, ngành để lấy ý kiến về đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (còn gọi là gói kích thích kinh tế lần 2).

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, một trong những chính sách mới nổi bật được Bộ KH&ĐT đề xuất là nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19. Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ bảo lãnh các khoản vay cho các doanh nghiệp hàng không.

Bộ KH&ĐT cũng đề xuất giảm thuế suất giá trị gia tăng (VAT) đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để kích cầu tiêu dùng nội địa. Việc giảm thuế VAT có tác dụng giảm giá cả hàng hóa, dịch vụ và có lợi đối với người tiêu dùng, từ đó có thể kích thích mua sắm, kích cầu nền kinh tế.

Bộ này cũng đề xuất phiếu chiết khấu, khuyến mãi với dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống áp dụng cho các cơ sở dịch vụ du lịch, lưu trú và các nhà hàng để giảm chi phí vận chuyển hành khách, lưu trú và ăn uống nhằm thúc đẩy tiêu dùng, mua sắm trong ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn.

Cũng tại phiên họp báo, Chính phủ cho biết yêu cầu công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá điện, xăng dầu cũng như các hàng hoá, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác có ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường, nhất là trong dịp Lễ, Tết.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi tăng giá bất hợp lý, đầu cơ găm hàng, thao túng thị trường và hàng giả; có các giải pháp đồng bộ, kịp thời để đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, không để ảnh hưởng tới thương mại quốc gia, bảo vệ phù hợp sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Nghị quyết của Chính phủ cũng nhấn mạnh đến yêu cầu mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Tăng cường xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, chủ động giải quyết hài hòa quan hệ thương mại với các đối tác lớn, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các nền tảng số, xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử lớn.

Triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ để khai thác và tận dụng các ưu đãi. Đồng thời, chú trọng phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông và kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam.

Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch, triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm. Trong đó, chú trọng một số dự án quan trọng như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Biên Hòa - Vũng Tàu, một số công trình trọng điểm, giao thông liên vùng ở phía Bắc, nhất là ở vùng Tây Bắc; giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư, mở rộng các cảng hàng không quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng.

Trúc Mai