Theo báo cáo kết quả kinh doanh trong năm 2021 của VietinBank tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức 1,3%, mức này đã giảm đáng kể so với mức 1,6% hồi cuối quý I/2021 và đảm bảo mục tiêu đã được ĐHĐCĐ đặt ra. Hay như BIDV, Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú cho biết: Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 0,81%, giảm 0,73% so với năm 2020, đảm bảo mục tiêu NHNN giao năm 2021. Tỷ lệ nợ nhóm 5 ở mức 0,42%, giảm 0,82% so với năm 2020…

Tuy chưa thể lạc quan về con số nợ xấu trên do các ngân hàng đang áp dụng Thông tư 14 của NHNN về giảm, hoãn, cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên tình trạng nợ xấu chưa bộc lộ. Lường trước áp lực nợ xấu từ nợ tái cơ cấu nên nhiều NHTM đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để gia tăng “bộ đệm” chống đỡ.

Năm 2022, xử lý nợ xấu như thế nào? Ảnh minh họa internet
Năm 2022, xử lý nợ xấu như thế nào? Ảnh minh họa internet.

Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, nợ xấu và nợ cơ cấu là một trong những vấn đề ngân hàng đặc biệt quan tâm. Agribank theo dõi sát hàng tháng để đánh giá từng khoản nợ có khả năng phục hồi hay chuyển nợ xấu để có kế hoạch dự phòng. “Dự liệu cho những phát sinh có thể xảy ra, năm 2021 ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng, nâng tiếp tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ 120% lên 140% để dự phòng cho năm 2022”, bà Phượng chia sẻ thêm hướng giải pháp xử lý nợ xấu của Agribank.

Về khả năng phòng thủ nợ xấu, Vietcombank gây chú ý đối với thị trường khi công bố tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng của ngân hàng này ở mức 424% cao kỷ lục ngành Ngân hàng. Điều này đồng nghĩa, mỗi đồng nợ xấu nội bảng của Vietcombank được đảm bảo bằng hơn 4 đồng dự phòng. Theo báo cáo của ngân hàng này đến cuối năm 2021 tỷ lệ nợ xấu là 963.670 tỷ đồng và 0,63%, quy mô nợ xấu nội bảng và quỹ dự phòng của Vietcombank theo đó ở mức 6.070 tỷ đồng và 25.740 tỷ đồng. Như vậy, trong trường hợp sử dụng toàn bộ quỹ dự phòng để đưa nợ xấu về 0, ngân hàng vẫn dư ra hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tương tự, BIDV cũng tăng cường trích lập dự phòng trong năm 2021, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao nhất từ trước đến nay đạt 235%. Con số này tại thời điểm 30/09/2021 mới chỉ đạt 140% và cuối năm 2020 là gần 89%. Tại VietinBank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng đạt 171%, tăng mạnh so với mức 132% của cuối năm 2020. Ngoài big 4 các NHTMCP cũng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu khá cao như Techcombank tăng từ 171% vào cuối năm 2020 lên 184%, MB tăng từ 134% lên 233%, ACB tăng từ 160% lên 198%,…

Bên cạnh đó, giới chuyên môn cũng kỳ vọng tỷ lệ thu hồi các khoản cho vay tái cơ cấu cải thiện hơn khi tình hình dịch được kiểm soát, các doanh nghiệp dần khôi phục sản xuất kinh doanh. “Nếu việc mở cửa lại hoàn toàn sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2022 mà không có thêm bất kỳ đợt giãn cách nghiêm ngặt nào, có thể kỳ vọng vào sự hồi phục hợp lý của các khoản vay tái cơ cấu”, SSI Research nhận định và kỳ vọng thị trường nhà ở sẽ vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng trong 2022 do lãi suất cho vay mua nhà vẫn ở mức thuận lợi. Theo đó, các ngân hàng sẽ thu hồi, xử lý nợ xấu tốt hơn.

Duy trì quan điểm cẩn trọng về rủi ro tín dụng đối với các ngân hàng yếu kém và các ngân hàng có bộ đệm trích lập dự phòng mỏng, song SSI Research vẫn lạc quan về triển vọng của những ngân hàng đã trích lập dự phòng trước hoặc trích lập đầy đủ các khoản cho vay tái cơ cấu có đủ năng lực để xử lý rủi ro nợ xấu khi biến động xảy ra.

Có quan điểm thận trọng hơn, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng vẫn chưa thể đo lường từ độ trễ của nợ xấu hình thành. “Diễn biến của đại dịch là không chắc chắn, có nghĩa là nợ xấu hình thành được dự báo với độ tin cậy chưa được xác định. Hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu hình thành là hậu quả của cú sốc, trong trường hợp đại dịch kết thúc, sẽ vẫn bất định ngay cả khi tham chiếu các cuộc khủng hoảng trước đó”, VDSC nhận định.

Đặc biệt với quan điểm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, thời gian qua các ngân hàng cũng rất quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng. Song song với đó, các ngân hàng cũng tiếp tục củng cố bộ đệm dự phòng. Bà Phượng cho biết, trong thời gian tới ngân hàng sẽ tiếp tục theo dõi sát các khoản vay nhất là khoản vay cơ cấu đồng thời tiếp tục gia tăng trích lập dự phòng. Mặc dù việc này ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng nhưng là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn rất nhiều rủi ro, ảnh hưởng bất định đến nền kinh tế. Còn lãnh đạo VietinBank chia sẻ ngân hàng vẫn chấp nhận chỉ tiêu lợi nhuận tăng thấp để tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Việc trích lập dự phòng cao không chỉ đảm bảo cho các khoản nợ xấu phát sinh do dịch Covid-19 mà còn là cơ sở để xử lý các biến cố cho ngân hàng trong năm 2022.

Vấn đề các ngân hàng bày tỏ lo lắng nhất trong việc xử lý nợ xấu giai đoạn tới là Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội chỉ còn vài tháng nữa hết hiệu lực. Lãnh đạo Agribank cho biết, các vụ kiện về dân sự liên quan đến tài sản đảm bảo tại Agribank rất lớn khoảng 7.000 vụ kiện dân sự. Vốn dĩ xử lý các vụ kiện dân sự đã khó khăn, lại trong điều kiện dịch bệnh, ngân hàng khó chồng khó. Do đó, các NHTM trong đó có Agribank rất mong muốn Chính phủ và Quốc hội có cơ chế giải pháp, hành lang pháp lý mạnh hơn nữa để hệ thống các TCTD xử lý nợ xấu hiệu quả hơn, có điều kiện tiếp tục hỗ trợ khách hàng.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh cần sớm tổng kết Nghị quyết 42, trên cơ sở đó đề xuất, trình Quốc hội cho kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42/2017 hoặc ban hành Luật Xử lý nợ xấu để có thêm các công cụ hữu hiệu trong việc xử lý nợ xấu. Việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành Ngân hàng và các cơ quan nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.