Theo ông Chu Hồng Uy, Phó chánh Thanh tra Bộ Xây dựng thì năm 2023, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra nhiều vấn đề nổi cộm, được dư luận quan tâm gồm: UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, các tổ chức, đơn vị có liên quan về chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh bất động sản, việc xây dựng hạ tầng tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị tại 07 địa phương là Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hoá, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang.

Ảnh minh họa internet
Ảnh minh họa internet.

Hiện nhiều chủ đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị thiếu hạ tầng đồng bộ như trường học, bãi đỗ xe… Năm 2023, Thanh tra Bộ Xây dựng vẫn tập trung vào vấn đề hạ tầng đô thị tại nhiều địa phương và lĩnh vực quy hoạch xây dựng tại các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bình Phước.

Cùng đó là thanh tra một số dự án do bộ, ngành, địa phương và Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư. Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra công tác quản lý hoạt động xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng tại 03 đơn vị gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh; Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - Bộ Giao thông Vận tải; Ban Quản lý dự án 4 - Cục Đường bộ Việt Nam.

Việc triển khai các đoàn thanh tra theo Kế hoạch thanh tra năm 2022 đạt yêu cầu đề ra; tổ chức các đoàn thanh tra đột xuất; tăng cường giám sát hoạt động đoàn thanh tra; kịp thời đôn đốc, xử lý sau thanh tra và thực hiện tổng hợp bất cập của pháp luật qua thanh tra. 

Thanh tra Xây dựng kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 181,186 tỷ đồng; trong đó, xử lý về dự toán số tiền 51,715 tỷ đồng; xử lý khác về kinh tế số tiền 120,803 tỷ đồng (đây là số tiền về thu và xử lý kinh phí bảo trì nhà chung cư); kiến nghị xử lý hành chính đối với 81 tổ chức và 14 cá nhân.

Thanh tra Xây dựng cũng ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 tổ chức, số tiền 3,18 tỷ đồng; đồng thời, kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư về biện pháp khắc phục, xử lý.

Lê Xuân (t/h)