Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/11, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 82 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 29 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt gần 913.340 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, toàn ngành đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 762.580 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 190.230 tỷ đồng, tăng 7%.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn nghành ước đạt 227.600 tỷ đồng, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2%, thị trường bảo hiểm nhân thọ giảm khoảng 12,5%. Tổng giá trị chi trả quyền lợi bảo hiểm ước khoảng 86.470 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính cho biết đã nỗ lực tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm và chủ trì ban hành 01 Thông tư quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm và các Nghị định hướng dẫn. Trên cơ sở đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ thúc đẩy sự phát triển an toàn, ổn định, bền vững của thị trường bảo hiểm trong thời gian tới.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho hay sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và tăng cường sự minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm.
Bộ Tài chính sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hướng tới quản lý, giám sát bảo hiểm dựa trên cơ sở quản trị rủi ro. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp với các cơ quan liên quan trong phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm, phương thức kinh doanh mới.
Minh An(t/h)