Đầu tháng 12 vừa qua, Dự án Công nghiệp cơ khí Lioho Machine Works Việt Nam đã được nhà đầu tư là liên danh Công ty Lioho Machine Works Ltd và Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 chính thức khởi công xây dựng trên diện tích 5ha thuộc Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc.

Đây là một trong những dự án FDI mới nhất được khởi công trên địa bàn tỉnh trong năm 2023. Dự án có tổng vốn đầu tư 75 triệu USD, với mục tiêu sản xuất các sản phẩm phụ tùng ôtô xe gắn máy, linh kiện máy nông nghiệp, linh kiện kim loại của thiết bị mạng internet, linh kiện kim loại của máy bơm, bán buôn máy móc thiết bị và phụ tùng máy khác.

Dự kiến trong năm 2024, dự án sẽ đi vào hoạt động, giai đoạn đầu của dự án sẽ có công suất khoảng 750 nghìn sản phẩm mỗi năm, doanh thu khoảng 400 tỷ đồng và tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Khu công nghiệp Bá Thiện 2, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Kinhtevadautu
Khu công nghiệp Bá Thiện 2, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Kinhtevadautu.

Trước đó, Vĩnh Phúc đã thu hút thành công dự án trong lĩnh vực lắp ráp động cơ xe máy, ôtô, phương tiện giao thông từ Tập đoàn Polaris (Hoa Kỳ). Đây là tập đoàn nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ. 

Dự án có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD được xây dựng trên diện tích hơn 12ha, tại Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên) với mục tiêu sản xuất môtô, xe máy, phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ôtô, xe có động cơ khác.

Đây là nhà máy thứ hai của tập đoàn tại Vĩnh Phúc và là nhà máy thứ 20 trên toàn thế giới, điều này cho thấy doanh nghiệp thực sự tin tưởng và kỳ vọng Vĩnh Phúc sẽ là mảnh đất tạo nên những thành công mới cho doanh nghiệp.

Dự kiến khi hoàn thành đi vào hoạt động, dự án sẽ có công suất khoảng 300 nghìn sản phẩm mỗi năm. Ngoài tiêu thụ nội địa, các sản phẩm sẽ được xuất khẩu sang các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo việc làm cho khoảng 600 lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Theo số liệu. lũy kế đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 1.292 dự án, trong đó có 460 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,9 tỷ USD và 832 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 140,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu hút vốn DDI đạt hơn 20,65 nghìn tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2022 và vượt 4,13 lần so với kế hoạch năm 2023.

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 3,89% so với tháng 11 và tăng 3,16% so với cùng kỳ. Từ đây, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 của tỉnh đạt hơn 31,24 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2022 - là 1 trong 10 tỉnh có tăng trưởng xuất nhập khẩu cao nhất cả nước.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 16,82 tỷ USD, tăng 6,45% so với năm 2022; nhập khẩu hàng hóa ước đạt xấp xỉ 14,4 tỷ USD tăng 0,06% so với cùng kỳ năm 2022, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị, giải quyết việc làm, góp phần đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 130,5 triệu đồng/người/năm, tăng 2,63 triệu đồng/người và tăng 2,05% so với năm 2022.

Lý giải cho sự thành công trong thu hút FDI của Vĩnh Phúc năm qua, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Độ cho biết, đặt trong bối cảnh cuộc đua tranh của Việt Nam và toàn cầu thì vị thế vùng đã giúp Vĩnh Phúc định vị rõ hơn, biến lợi thế tiềm năng thành lợi thế hiện thực, thành một trung tâm công nghiệp công nghệ cao, mà nền tảng cốt lõi chính là khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hút đầu tư, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch bổ sung thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 -2030 và Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030... làm cơ sở để cụ thể hóa triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Năm 2024, dự kiến có thêm 3 KCN đi vào hoạt động gồm: KCN Tam Dương I - khu vực 2 quy mô 156,76 ha, KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực II – giai đoạn 1) quy mô 145,27ha, KCN Sông Lô II quy mô 165,65h… là cơ hội tốt để tỉnh thu hút các nhà đầu tư đăng ký đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp tại tỉnh.

Cùng đó, tỉnh tiếp tục xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư phù hợp với định hướng phát triển KT - XH của tỉnh theo từng năm và giai đoạn.

Đồng thời, rà soát điều chỉnh, bổ sung các KCN, CCN; hình thành một số khu, CCN chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình KCN ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch và hình thành một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với quy hoạch phát triển tổng thể của tỉnh, từ đó thúc đẩy KT - XH trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Thiên Trường (t/h)