Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ngành chức năng nắm bắt địa bàn. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh.
Chú trọng kiểm tra, kiểm soát đối với địa bàn nổi cộm và các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, rượu, bia, các mặt hàng lương, thực phẩm...
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, đặc biệt là Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh dừng, khám phương tiện vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm lưu thông qua địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
![Hoạt động tăng cường kiểm soát giá bán hàng hoá góp phần đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng Hoạt động tăng cường kiểm soát giá bán hàng hoá góp phần đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/12/01/hang-hoa-cuoi-nam-1701424383.jpg)
Trong 11 tháng năm 2023, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm tra 728 vụ, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 225 vụ với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, không thực hiện niêm yết giá theo quy định, tự ý điều chỉnh giá, không đăng ký kinh doanh theo quy định....
Theo dự báo, từ thời điểm này đến cuối năm, nhu cầu về mua sắm hàng hóa sẽ tăng, tình hình giá cả hàng hóa sẽ có những biến động bất thường. Đây cũng là thời điểm các gian thương gia tăng các hoạt động buôn bán, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng.
Để đảm bảo ổn định thị trường phục vụ nhu cầu sắm của nhân dân, các lực lượng chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật tới các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật thực hiện cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, các hành vi gian lận thương mại.
Tập trung kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh; việc kê khai giá, đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chú trọng các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định pháp luật; hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa...Xử lý vi phạm hành chính đối với các mặt hàng như xăng, dầu; thuốc lá điếu nhập ngoại; pháo các loại; phân bón; mỹ phẩm; dược phẩm; thực phẩm chức năng, đồ chơi trẻ em; các loại thực phẩm từ gia súc, gia cầm; hàng hóa giả mạo nhãn mác, bao bì, xuất xứ Việt Nam...Các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sử dụng các ứng dụng di động, các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng hóa.
Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng kinh doanh hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phầm, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng.
Đức Nam