Theo đề án, tỉnh Bình Phước xác định, du lịch là ngành kinh tế quan trọng, phát triển du lịch sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh. Bình Phước phát triển du lịch phải chú trọng liên kết và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực khác; phát triển du lịch sẽ góp phần tăng cường sự giao thương trong xã hội, từ đó thúc đẩy việc thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho địa phương.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, cần chủ động kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án mũi nhọn có tính đột phá trong lĩnh vực du lịch, tạo sự lan tỏa và thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội phát triển; chú trọng đẩy mạnh khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch hiện có của địa phương.
Bình Phước cũng xác định việc đầu tư các sản phẩm chủ lực phải có tính đặc trưng, khác biệt nhằm hướng tới thị trường khách du lịch riêng. Sản phẩm du lịch phải mới, hiện đại, phù hợp xu hướng du lịch trong nước và trên thế giới. Tỉnh có hướng đầu tư và kêu gọi đầu tư một cách đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng du lịch theo từng giai đoạn, trong đó nhà nước đóng vai trò định hướng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội tham gia đầu tư xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch.
Với mục tiêu năm 2025, xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả các tuyến du lịch nội tỉnh với các sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Phước theo các tuyến đường Quốc lộ 14, ĐT 741, Quốc lộ 13, đặc biệt là tuyến du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh - Bình Phước - Campuchia - Lào - Thái Lan, nhằm thu hút đông đảo du khách đến với Bình Phước. Có một đến hai khách sạn 4 - 5 sao trên địa bàn thành phố Đồng Xoài. Có một đến hai sân golf hoạt động trên địa bàn tỉnh. Thành lập và đi vào hoạt dộng Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Phước. Công nhận 02 khu du lịch cấp tỉnh và 03 điểm du lịch.
Phấn đấu năm 2025, đón khoảng 1,7 triệu lượt khách, trong đó duy trì tỷ trọng khách quốc tế chiếm khoảng 3,21% đến 4% tổng số lượt khách, doanh thu đạt khoảng 1.560 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 8.500 lao động (trong đó lao động trực tiếp khoảng 3.000 người), tăng mức chi tiêu của khách du lịch từ khoảng 700.000 đồng/ngày/khách lên đến 800.000 đồng/ngày/khách và tăng thời gian lưu trú từ 1,07 ngày/khách lên 1,15 ngày/khách.
Xây dựng, phát triển thành phố Đồng Xoài đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch của tỉnh với hệ thống dịch vụ tiện ích, có trung tâm vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn cao cấp; có các trung tâm thương mại lớn, khu chợ đêm và hệ thống cửa hàng tiện ích; nâng cấp và công nhận 1 khu du lịch cấp tỉnh thành khu du lịch cấp quốc gia và 1 điểm du lịch cấp tỉnh thành khu du lịch cấp tỉnh; công nhận mới 01 khu du lịch cấp quốc gia, 02 khu du lịch cấp tỉnh, 3 điểm du lịch.
Đến năm 2030, phấn đấu đón khoảng 4 triệu lượt khách (trong đó duy trì tỷ trọng khách quốc tế chiếm khoảng 4% đến 5,05% tổng lượt khách), doanh thu đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 13.000 lao động (trong đó lao động trực liếp khoảng 5.000 người), tăng mức chi tiêu của khách du lịch từ khoảng 800.000 đồng/ngày/khách lên 1.200.000 đồng/ngày/khách, tăng thời gian lưu trú từ 1,15 ngày/khách lên 1.45 ngày/khách.
Để đề án đi vào thực chất, góp phần phát triển du lịch tỉnh, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả 06 nhiệm vụ, giải pháp…
Hoàng Bách (t/h)