Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Nam Định: Các làng nghề tất bật chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Giáp Thìn 2024

Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng tăng cao của người dân dịp cuối năm, các làng nghề trên địa bàn tỉnh Nam Định tất bật chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường.

Tại làng hoa lớn nhất Nam Định, người dân đang tích cực chăm sóc hoa cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh dịp Tết. (Ảnh: TTXVN)

Chỉ còn chưa đầy 01 tháng nữa là đến Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh Nam Định đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ thị trường cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Thời điểm này, người dân làng hoa Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) đang tất bật chăm sóc hoa để kịp nở đúng độ, cung ứng cho thị trường hoa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Những ngày giáp Tết, cả làng như vào hội, từng đoàn xe tấp nập nối đuôi nhau chở hoa ra phố, sang các tỉnh lân cận khoe sắc, khoe màu trong dịp Tết cổ truyền.

Làng hoa Mỹ Tân trồng hoa bán quanh năm, song vụ hoa Tết thường được người dân chú trọng nhất. Những ngày này, người trồng hoa tại đây đang áp dụng các biện pháp kỹ thuật, gấp rút chăm sóc hoa, đảm bảo hoa nở đúng dịp Tết để cung ứng hoa cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp: Dự đoán, năm nay sức mua sẽ không tăng đột biến nhưng vẫn chuẩn bị lượng hàng tăng 10-30% so với năm trước, giá một số mặt hàng cũng sẽ tăng nhẹ. Bánh kẹo, mứt là các mặt hàng không thể thiếu trong dịp Tết. Do đó, bên cạnh sản xuất các mặt hàng truyền thống, các doanh nghiệp còn cho ra các sản phẩm mới để thu hút người tiêu dùng.

Tại làng nghề bánh kẹo truyền thống Đông Cường, thị trấn Yên Định (Hải Hậu), những chuyến xe ra, vào tấp nập để vận chuyển các sản phẩm bánh, kẹo: bánh nhãn, bánh dẻo, bánh nướng, kẹo dồi, kẹo lạc, kẹo vừng... đến các nơi tiêu thụ, các siêu thị, đại lý lớn.

Không chỉ có lịch sử sản xuất bánh kẹo trên 100 năm, làng nghề Đông Cường còn được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tiến hành xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch cho các sản phẩm bánh kẹo Đông Cường. Vì thế người tiêu dùng có căn cứ để tin tưởng chất lượng sản phẩm, gia tăng nhu cầu mua hàng trong dịp Tết.

Khảo sát nhanh được biết dịp cuối năm các hộ trong làng nghề đều phải tăng cường nhân lực, máy móc hoạt động tối đa công suất để mỗi ngày sản xuất từ 5-8 tạ bánh, kẹo. Từ đó cho thấy uy tín của thương hiệu làng nghề bánh kẹo Đông Cường, ngày càng cho ra nhiều sản phẩm bánh kẹo phong phú. Một số hộ luôn nhận được nhiều đơn hàng, có sản lượng tiêu thụ cao trong làng nghề, bình quân mỗi ngày giáp Tết cung ứng ra thị trường từ 8-10 tạ bánh kẹo các loại.

Thời điểm cuối năm, xưởng sản xuất miến dong Huệ Đồng, xóm Gò, xã Hải Minh (Hải Hậu) phải làm ngày, làm đêm mà vẫn không đủ hàng để cung cấp cho khách. (Ảnh: TTXVN)

Những ngày này, ở các làng nghề nông thôn, không khí Tết đã đến rất gần. Bên cạnh bánh kẹo, miến dong là mặt hàng thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn dịp Tết ở các vùng quê. Tại các làng nghề sản xuất miến dong của huyện Hải Hậu, các hộ làm miến đang tất bật, hối hả cho những chuyến hàng cuối năm. Tranh thủ ngày nắng, bà con “chạy đua” với thời gian để sản xuất ra những mẻ miến chất lượng còn kịp đơn hàng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng dịp Tết.

Ông Nguyễn Văn Đồng, chủ cơ sở miến dong Huệ Đồng, xóm Gò, xã Hải Minh cho biết: Những ngày gần Tết xưởng nhà ông phải làm ngày, làm đêm mà vẫn không đủ hàng để cung cấp cho khách. Mỗi ngày xưởng sản xuất khoảng gần 1 tấn miến. Trung bình mỗi tháng, xưởng sản xuất gần 30 tấn miến, doanh thu ước đạt 60 triệu đồng/tháng.

Năm 2020, sản phẩm miến dong Huệ Đồng của hộ sản xuất Nguyễn Văn Đồng, xóm Gò, xã Hải Minh được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, giúp sản phẩm miến dong của làng nghề có cơ hội giới thiệu, quảng bá đến đông đảo người tiêu dùng. Ngoài khách quen là các công ty, đại lý thì các thương lái mua buôn theo thời vụ để đổ buôn cho các chợ cũng nhiều hơn.

Người dân xóm 2, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) sản xuất bánh đa nem cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. (Ảnh: Báo Nam Định)

Bánh đa nem cũng là sản phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết. Các cơ sở làm bánh đa nem thời gian này cũng đang tất bật “đỏ lửa” để kịp thời sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Phan Văn Phương- Xuân Tiến- Xuân Trường cho biết: “Nếu ngày thường, cơ sở tôi làm khoảng 1000 cái/ngày thì vào dịp này tăng lên 1.500 cái. Mặc dù bánh trong dịp Tết được làm theo nhu cầu của khách, kỹ càng, chất lượng hơn nhưng giá cả vẫn không thay đổi nhiều so với ngày thường”.

Sản phẩm nước mắm của làng nghề Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy) được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Nước mắm Giao Châu”, nhờ đó trong dịp Tết, số lượng đơn hàng tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường.

Để giữ vững thương hiệu sản phẩm, các hộ làm nghề đều đảm bảo sản xuất theo phương thức truyền thống. Cụ thể, các hộ làm nghề đều sử dụng nguyên liệu tự nhiên là cá cơm, tép moi tươi; ủ nắng, phơi sương để mắm chín “ngấu” tự nhiên, không nấu qua lửa, không thêm bất cứ loại hóa chất nào nên nước mắm thành phẩm của Sa Châu luôn giữ được hương vị nguyên chất, đậm đà đặc trưng.

Để chuẩn bị cung ứng đủ cho thị trường Tết, hơn 30 hộ sản xuất trong làng nghề đều chủ động chuẩn bị khoảng 30-50 nghìn lít nước mắm nguyên chất/hộ; các loại sản phẩm cũng được đa dạng từ loại thông thường 30-70 nghìn đồng/lít đến các loại đặc biệt có giá từ 100-150 nghìn đồng/lít để phục vụ các nhu cầu của khách hàng. Ngoài sản phẩm nước mắm, người dân làng nghề Sa Châu còn gia tăng sản lượng các sản phẩm phụ của làng nghề như mắm tôm, mắm mực, mắm sung chua để đáp ứng nhu cầu ẩm thực trong dịp  Tết.

Làng Sắc, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) chuyên cung ứng quần áo thời trang và chăn, ga ,gối, đệm trong phân khúc thị trường bình dân nhưng các hộ làm nghề luôn khai thác các mẫu mã được ưa chuộng nên sản phẩm ngày càng có sức hấp dẫn người tiêu dùng trong nước, một số sản phẩm còn được xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia...

Hiện nay, trên địa bàn xã có 10 doanh nghiệp lớn và khoảng 600 hộ chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc và chăn, ga, gối, đệm tạo việc làm ổn định cho gần 5.400 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Làm nghề cả năm, nhưng thời điểm cuối năm, thời tiết lạnh cộng với nhu cầu mua sắm cho gia đình và làm quà tặng cho người thân tăng lên, làng nghề xã Mỹ Thắng mới thực sự vào vụ. Các gia đình huy động thêm nhân lực, đầu tư thêm máy móc, thiết bị sản xuất đẩy nhanh tiến độ cắt may để kịp hoàn thành hợp đồng.

Anh Huy, chủ cơ sở may Huy Ngoan cho biết, năm nào cũng vậy, từ dịp Noel đến Tết Nguyên đán, các mặt hàng quần áo thời trang do người dân xã Mỹ Thắng sản xuất đều bán rất chạy. Tháng cận Tết, nhu cầu mua sắm càng tăng nên lao động trong cơ sở của anh đều phải tăng giờ làm thêm từ 3-4 tiếng/ngày so với trước đây để kịp hoàn thành các đơn hàng lớn, cung ứng sản phẩm cho khu vực nội tỉnh và một số tỉnh lân cận. Công việc vất vả, song bù lại doanh thu trong những tháng giáp Tết của cơ sở khá cao.

Làng nghề truyền thống La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) cũng đang bước vào vụ sản xuất nhộn nhịp nhất trong năm. Khắp các đường làng, ngõ xóm, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng máy cưa, máy xẻ, tiếng đục đẽo hòa cùng tiếng nói cười rôm rả của những người thợ mộc. Tết đến nhu cầu mua sắm tủ quần áo, giường, bàn ghế salon và các sản phẩm gỗ trang trí khắc chạm càng tăng. Càng gần tết các hộ làm nghề trong làng đều phải tăng cường độ sản xuất, mỗi xưởng thuê thêm 4-5 nhân công...

Dịp cuối năm, ngoài các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm; các làng nghề sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mộc, cơ khí...cũng tất bật vào vụ sản xuất để đáp ứng đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Kỳ vọng vào thị trường Tết, các doanh nghiệp đều gia tăng lượng hàng cung ứng ra thị trường, đón đầu xu hướng tiêu dùng. Với sự chú trọng trong từng mặt hàng, nhiều đơn vị sản xuất hứa hẹn sẽ có nhiều sản phẩm chất lượng, an toàn để phục vụ người tiêu dùng dịp Tết.

Bên cạnh sự nỗ lực gia tăng sản lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ gìn và phát triển thương hiệu của các hộ làm nghề, các ngành chức năng và các địa phương đã tăng cường kiểm tra các điều kiện sản xuất, chú trọng kiểm tra công tác đảm bảo chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn các mặt hàng thực phẩm, ngăn chặn tình trạng lợi dụng thời điểm sức mua trên thị trường tăng để làm ẩu, trà trộn hàng hóa kém chất lượng, trục lợi gây mất uy tín thương hiệu.

PV(t/h)

 

 

Bài liên quan

Tin mới

Hải Dương thu giữ hơn 2.000 điếu thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc
Hải Dương thu giữ hơn 2.000 điếu thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc

Cơ quan Công an huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương vừa phát hiện, thu giữ hơn 2.000 điếu thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tập đoàn Mai Linh đã có sự khởi sắc chấm dứt lỗ và trở lại đường đua
Tập đoàn Mai Linh đã có sự khởi sắc chấm dứt lỗ và trở lại đường đua

Ngày 29/4/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh tổ chức Đại hội đồng Cổ đông Thường niên năm 2024 tại TP. Hồ Chí Minh.

IMF kỳ vọng kinh tế Châu Á sẽ tăng trưởng 4,5%
IMF kỳ vọng kinh tế Châu Á sẽ tăng trưởng 4,5%

Hôm thứ Ba, ngày 30/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng Châu Á vào năm 2024, với lạm phát giảm nhanh và tăng trưởng kiên cường sẽ giúp khu vực đạt được "hạ cánh mềm" ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ chậm lại trong hai năm tới.

Thu hồi lô dung dịch uống Calcium-Nic extra vi phạm chất lượng
Thu hồi lô dung dịch uống Calcium-Nic extra vi phạm chất lượng

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa thông báo thu hồi trên toàn quốc lô dung dịch uống Calcium-Nic extra, do Công ty TNHH Dược phẩm USA - NIC sản xuất, do vi phạm chất lượng mức độ 2.

Bộ đội biên phòng Quảng Ninh: Bắt quả tang đối tượng buôn bán 41g heroin
Bộ đội biên phòng Quảng Ninh: Bắt quả tang đối tượng buôn bán 41g heroin

Hồi 7h05p, ngày 28/4/2024, tại khu vực đối diện Bến xe Bãi Cháy, thuộc tổ 1, khu 1, phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, Đội đặc nhiệm phòng chống ma tuý và tội phạm (Phòng phòng chống ma túy và tội phạm - Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) phối hợp với đồn BPCK cảng Hòn Gai phát hiện, bắt giữ Lò Văn Tiêng (SN 1994, trú tại Bản Pi, Xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) có hành vi nghi mua bán trái phép chất ma túy.

Chủ quyền Tổ quốc nhìn từ biển
Chủ quyền Tổ quốc nhìn từ biển

Xuyên suốt chiều dài lịch sử của đất nước, chủ quyền không thể tranh cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã phải đánh đổi bằng máu xương của bao thế hệ, viết nên bản hùng ca bất tử về công cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.