Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trở thành vấn đề quan tâm chung của toàn xã hội, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Trước thực trạng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã sản xuất, chế biến quan tâm, xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, để xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm: Nhãn hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm, sử dụng tem QR code chống hàng nhái, hàng giả phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.
Từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2019 - 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh Nam Định hỗ trợ kinh phí trên 11,5 tỷ đồng cho các cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên và hỗ trợ tạo mã QR code truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhằm phát triển sản phẩm toàn diện về chất lượng, mẫu mã, bao bì, nguồn nguyên liệu, quảng bá, phân phối sản phẩm.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định duy trì giám sát 33 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP); tư vấn hỗ trợ xây dựng, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cho 44 cơ sở với 82 sản phẩm nông nghiệp; 150 cơ sở xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa bằng mã QR code, 33 cơ sở thiết lập nhật ký điện tử, để theo dõi sản xuất.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định xây dựng các vùng sản xuất tập trung, phát triển chuỗi liên kết giá trị gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại, xây dựng mẫu mã, nhãn hiệu sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ trong truy xuất đã giúp giá trị sản xuất nông nghiệp được nâng cao, chuyển mạnh từ sản lượng sang chất lượng; đồng thời, giúp các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, chế biến tạo lòng tin với người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đồng thời, thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa (Đề án 100) trên địa bàn tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định đã tham mưu cho UBND tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch Thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”.
Các sở, các ngành chức năng của tỉnh Nam Định đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc, cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai, giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho cán bộ, công chức và các doanh nghiệp, cá nhân; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã nông nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu gắn với các chương trình chuyển đổi số, “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hướng tới xuất khẩu.
Qua đó, nhiều sản phẩm của Nam Định đã khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài nước như: Gạo sạch Toản Xuân, Ngao sạch Lenger, Chả cá Hùng Vương, Nước mắm Ninh Cơ, Giò 7 phút Nam Phát, Sứa Tân Long, Nông sản sấy Minh Dương…
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định cho biết, Nam Định phấn đấu đến năm 2025 có 100% tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có nhu cầu trên địa bàn tỉnh được tập huấn, đào tạo kiến thức về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa; 50% sản phẩm hàng hóa tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, gắn mã số, mã vạch; đến năm 2030, Nam Định sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm; dữ liệu truy xuất nguồn gốc được kiểm soát, cập nhật lên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Phạm Thịnh