Toàn cảnh Dự án Bệnh viện Đa khoa quy mô 700 giường bệnh (tại phường Lộc Hạ, TP. Nam Định) bỏ hoang suốt hơn 10 năm qua.
Hứa thi công trong 1.140 ngày, nhưng hơn 10 năm vẫn bỏ hoang
Dự án này được xem là công trình y tế trọng điểm của vùng nam đồng bằng sông Hồng, ban đầu công trình có vốn đầu tư 598,5 tỷ đồng, nhưng đến cuối 2009 được tăng lên 850,8 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Theo quy hoạch, Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định tọa lạc trên diện tích 9,3 ha, được thiết kế hiện đại, bao gồm tổ hợp nhiều khu nhà cao tầng, có sân đỗ trực thăng trên nóc…
Cũng theo hợp đồng xây dựng đã ký kết giữa chủ đầu tư và các bên trúng thầu gồm Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, Công ty cổ phần xây dựng 504 - VINACONEX, gói thầu này sẽ triển khai trong 1.140 ngày kể từ ngày diễn ra lễ khởi công 5/11/2007 và thời điểm hoàn thành công trình là ngày 15/1/2011.
Tuy nhiên, đã hơn 10 năm trôi qua, kể từ khi “bờ xôi ruộng mật” của người dân bị thu hồi phục vụ dự án, khiến cuộc sống vô cùng khó khăn do không còn đất canh tác. Những tưởng, tỉnh Nam Định sẽ đáp lại niềm mong mỏi của nhân dân bằng cách đẩy nhanh tiến độ dự án. Nhưng ngần ấy thời gian bị mất đất, cũng là bằng ấy ngày tháng người dân “xót xa” nhìn đất sản xuất biến thành… bãi chăn bò, nuôi cỏ.
Hơn 10 năm mất đất, cũng là ngần ấy ngày tháng người dân cay đắng, xót xa nhìn đất sản xuất biến thành… bãi chăn bò, nuôi cỏ.
Được biết, ngay từ những ngày đầu dự án được “khai sinh”, nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã có ý kiến chỉ đạo, sớm đưa công trình vào sử dụng, đáp ứng chức năng là bệnh viện trung tâm vùng như quy định tại Quyết định số 243/2005/QĐ-TTg ngày 5/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhưng không hiểu vì sao, dự án với nhiều kỳ vọng này vẫn dậm chân tại chỗ. Hiện tại, dự án vẫn chỉ là những khối bê tông khổng lồ nằm án binh bất động, sắt thép hoen gỉ, cỏ mọc um tùm…
Chỉ đạo sát sao là vậy, nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thể bàn giao và đưa vào sử dụng, khiến dư luận hết sức bức xúc. Cụ thể,cử tri phường Lộc Hạ đã nhiều lần đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Nam Định xem xét tiến độ dự án, tránh gây lãng phí và tạo dư luận không tốt trong nhân dân.
Mới đây, trao đổi với báo giới, ông Vũ Khắc Đông, Phó trưởng Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình trọng điểm tỉnh Nam Định, cho biết: "Nguyên nhân lớn nhất của việc chậm tiến độ là bởi thiếu vốn. Hiện tại, vốn từ ngân sách Trung ương không còn cấp nữa, nên tỉnh Nam Định đang xem xét kế hoạch tái thiết xây dựng lại. Trong tổng vốn 850 tỉ đồng theo dự định ban đầu thì đã chi ra 260 tỉ đồng cho các nhà thầu, nếu bây giờ để như thế thì quá lãng phí. Thời gian qua, các cơ quan ban ngành đã họp lại và quyết định xem xét xây dựng lại hoàn toàn theo ngân sách của tỉnh, hiện tỉnh đang xem xét lại toàn bộ để lên kế hoạch tái thiết công trình".
Cho nhà thầu ứng tiền khi không có khối lượng thực hiện
Trước đó, vì được xem là công trình trọng điểm, nên từ năm 2010, UBND tỉnh Nam Định đã ứng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ năm 2010, thậm chí xin ứng trước nguồn vốn trái phiếu chính phủ năm 2011 để ứng cho nhà thầu UDIC tới 124, 8 tỉ đồng trong tổng giá trị hợp đồng là 197,5 tỉ đồng.
Trong đó, gói thầu BVH1 được ứng 26,453 tỉ đồng (tương đương 91% giá trị hợp đồng), gói thầu BVH 2 được ứng 94,1 tỉ đồng (tương đương 87,4% giá trị hợp đồng). Gói thầu BVH4 được ứng 4,1 tỉ đồng.
Nhưng sau khi ứng vốn đối trọng, nhà thầu vẫn không chịu thi công, công trình vẫn dậm chân tại chỗ. Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 28/9/2012, UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức họp kiểm điểm tiến độ thi công xây dựng gói thầu BVH2 thuộc dự án Bệnh viện Đa khoa quy mô 700 giường tỉnh Nam Định.
Kết luận thanh tra số 8503 năm 2014 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư nêu rõ việc “ứng trước cho nhà thầu UDIC khi không có khối lượng thực hiện, để nhà thầu UDIC sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ trong năm 2010 chưa đúng quy định, với số lượng lớn và thời gian dài tại gói thầu BVH2”.
Nội dung thể hiện rõ, căn cứ hợp đồng số 06 ngày 29/12/2009 giữa Ban quản lý Dự án xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh với UDIC về việc giao nhận thi công xây lắp gói thầu BVH2 thuộc dự án Bệnh viện Đa khoa quy mô 700 giường tỉnh Nam Định, thời gian thực hiện hợp đồng là 998 ngày. Giá trị hợp đồng theo kết quả đấu thầu là trên 107,7 tỷ đồng, vốn đã ứng là trên 94,1 tỷ đồng.
Theo Văn bản số 184 ngày 15/11/2011 của UBND tỉnh và kết luận của Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Năm Định tại buổi họp kiểm điểm tiến độ thi công dự án xây dựng bệnh viện 700 giường, đến tháng 6/2013, nhà thầu phải bàn giao công trình. Tuy nhiên, đến tháng 9/2012, nhà thầu mới thi công được một số hạng mục công việc như phần cọc, đài móng đã thi công xong và đã được kiểm toán; phần thân đang gia công lắp dựng cốt pha, cốt thép sàn cốt +12.300 (tầng 4).
Giá trị khối lượng đã hoàn ứng đến ngày 31/12/2011 là trên 22,4 tỷ đồng. Giá trị khối lượng thực tế đến ngày 31/4/2012 đã nghiệm thu và đang làm thủ tục hoàn ứng là 21 tỷ đồng. Khối lượng chưa thực hiện còn phải hoàn ứng là trên 50,7 tỷ đồng. Như vậy, gói thầu xây lắp so với khối lượng công việc đã thực hiện được và thời gian thực hiện theo hợp đồng thì tiến độ thi công của nhà thầu là quá chậm.
Kiến nghị truy cứu trách nhiệm những tổ chức, cá nhân liên quan
Liên quan tới dự án trên, tại kết luận thanh tra số 8503 năm 2014 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư nêu rõ việc “ứng trước cho nhà thầu UDIC khi không có khối lượng thực hiện, để nhà thầu UDIC sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ trong năm 2010 chưa đúng quy định, với số lượng lớn và thời gian dài tại gói thầu BVH2” nhưng đến nay mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ mà không hề có biến chuyển nào.
Được biết, vào cuối tháng 6/2017, đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư về Nam Định kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra các vi phạm của UDIC. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Nam Định tổ chức kiểm tra, xử lý đối với dự án Bệnh viện đa khoa 700 giường tỉnh Nam Định theo đúng quy định và Báo cáo kết quả xử lý về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương kiến nghị tỉnh Nam Định tập trung xử lý, truy cứu trách nhiệm những tổ chức, cá nhân liên quan đến 9 vụ án, vụ việc có sai phạm nghiêm trọng trong tỉnh. Trong đó, có những sai phạm liên quan đến dự án Bệnh viện đa khoa 700 giường.
Tiếp đó, ngày 18/10/2017, Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng sau khi kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng khiến dư luận xã hội tại tỉnh Nam Định quan tâm đã có buổi công bố kết luận.
Trong đó, Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương kiến nghị tỉnh Nam Định tập trung xử lý, truy cứu trách nhiệm những tổ chức, cá nhân liên quan đến 9 vụ án, vụ việc có sai phạm nghiêm trọng trong tỉnh. Một trong 9 vụ án vụ việc trên là những sai phạm liên quan đến dự án Bệnh viện đa khoa 700 giường Nam Định.
Trước thực trạng nêu trên, UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức kiểm tra, xử lý đối với dự án Bệnh viện đa khoa 700 giường tỉnh Nam Định, Báo cáo kết quả xử lý về Bộ Kế hoạch và Đầu tư như thế nào? Thực hiện kiến nghị của Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương ra sao? Để dự án bỏ hoang hơn 10 năm qua thì những tập thể, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm...?
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Tuấn Ngọc