Bị chiếm đoạt số tiền ưu đãi

Tại Nghị định 49 của Chính phủ có nêu rõ, con cái của thương bệnh binh có tỷ lệ thương tật hoặc mất sức lao động từ 61% trở lên, được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục như tiền ăn học, chế độ miễn giảm học phí...

Theo đó, con trai của bà Hảo và ông Chỉnh là anh Nguyễn Ngọc Nghĩa, theo học tại ĐH Thủy Lợi, niên khóa 2008 – 2013, được hưởng một số ưu đãi theo Nghị định 49, bao gồm: Tiền ưu đãi giáo dục năm học 2009 – 2010 là 8.860.000 đồng; tiền miễn giảm học phí năm học 2011-2012 là 3.800.00 đồng. Bên cạnh đó, ông Chỉnh còn nhận được khoản tiền điều dưỡng hàng năm, từ năm 2010 – 2013. 

Tuy nhiên, trao đổi với PV, bà Hảo cho biết: “Bằng nhiều thủ đoạn như giả mạo giấy tờ ủy quyền và chữ ký của vợ chồng bà, ông Phạm Văn Rược, cán bộ văn hóa - xã hội làm công tác lao động - thương binh và xã hội xã Hải Trung, đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã ưu đãi đối với người có công, tổng số tiền là 14.460.000 đồng”.

Là người không hiểu rõ các quy định của pháp luật, tới tận năm 2014, bà Hảo mới biết đến chuyện con trai và chồng của bà được hưởng các khoản tiền trên. Lúc này, bà Hảo có qua UBND xã và lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hải Hậu để tìm hiểu. Trên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nói bà đã ký và lĩnh số tiền nói trên; còn khoản tiền điều dưỡng năm 2013 của ông Chỉnh là 1.110.000 đồng thì ông Phạm Văn Rược nhận tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Bà Hảo bức xúc trước việc mình không hề ký vào mục được nhận tiền nào cả mà lại bảo bà đã ký nhận tiền.

Trước sự việc lạ trên, bà Hảo đã làm đơn thư tố cáo ông Rược lên các cơ quan chức năng của xã Hải Trung và huyện Hải Hậu để xem xét giải quyết, cũng như mong muốn lấy lại số tiền gia đình bà đáng được hưởng.

Bà Hảo đã gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng để mong được làm rõ sự việc. Tại CV số 14/TB ngày 31/3/2016, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Hải Hậu đã có thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố, do Thủ trưởng Cơ quan CSĐT – Đại tá Phạm Văn Oánh đã ký.

Nội dung thông báo nêu: "Bà Đỗ Thị Hảo đã nhận khoản tiền ưu đãi giáo dục năm 2009 – 2010 là 8.860.000 đồng, tiền hỗ trợ miễn giảm học phí năm 2011 – 2012 là 3.800.000 đồng, tiền điều dưỡng năm 2010 là 700.000 đồng.

Riêng khoản tiền điều dưỡng năm 2013 của ông Chỉnh là 1.110.000 đồng mà ông Phạm Văn Rược nhận tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hải Hậu. Sau đó, nhờ vợ chồng ông Trần Quốc Phòng và bà Lê thị The trả giúp, nhưng không có giấy tờ gì chứng minh là bà Đỗ Thị Hảo đã nhận là không đúng quy định. Đề nghị UBND xã Hải Trung yêu cầu ông Rược phải chịu trách nhiệm hoàn trả khoản tiền trên cho gia đình ông Nguyễn Hữu Chỉnh”.

Xã Hải Trung (Hải Hậu, Nam Định): Một gia đình chính sách bị “ăn chặn” tiền ưu đãi - Hình 1

 Kết quả giải quyết đơn thư tố giác, của Cơ quan CSĐT - Công an huyện Hải Hậu

Không thỏa đáng với việc trả lại chỉ số tiền 1.110.000 đồng của ông Rược, bà Hảo tiếp tục làm đơn thư gửi Công an huyện Hải Hậu, yêu cầu giám định chữ viết và chữ ký trong các giấy ủy quyền lĩnh tiền và các chữ ký, chữ viết ở cột người nhận tiền có phải của bà và chồng bà hay không.

Tuy nhiên, phía Công an huyện Hải Hậu lại không trực tiếp lấy chữ ký và chữ viết của bà và chồng bà để mang đi giám định, mà chỉ lấy mẫu trên các tài liệu “giả mạo” đã có sẵn. Vì thế, bà cho rằng kết luận của cơ quan CSĐT - Công an huyện Hải Hậu là không khách quan, cũng như không đúng với quy định của pháp luật.

Tự ý nghỉ việc vì lý do cá nhân?

Nhận được đơn thư phản ánh của bạn đọc, PV Thương hiệu & Công luận đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Toản, Chủ tịch UBND xã Hải Trung để làm rõ những câu hỏi thắc mắc của bạn đọc.

Ông Toản cho biết, vụ việc đã diễn ra từ lâu và ông mới chỉ nhận chức được 2 năm nay, cho nên không nắm bắt được hết vụ việc. Nhưng quan điểm của ông là ai có tội thì phải xử lý nghiêm, cũng như không che giấu sự việc.

Xã Hải Trung (Hải Hậu, Nam Định): Một gia đình chính sách bị “ăn chặn” tiền ưu đãi - Hình 2

Ông Nguyễn Ngọc Toản - Chủ tịch UBND xã Hải Trung

Tuy nhiên, PV đưa ra một số tài liệu có liên quan đến việc có dấu hiệu giả mạo chữ ký và một số giấy tờ mà bà Hảo cung cấp. Trong đó, có giấy ủy quyền của ông Nguyễn Hữu Chỉnh cho ông Phạm Văn Rược mà UBND xã đã xác thực là đúng sự thật. Và một bản khác có chữ ký hoàn toàn khác, vẫn do ông Nguyễn Hữu Chỉnh ký. Lúc này, ông Toản xem qua và “im lặng”!

Sau hồi trấn tĩnh, ông Toản nói: “Cái này tôi cũng không biết, hình như chưa xem xét đến việc này và thời điểm xác nhận, tôi chưa làm chủ tịch xã”.

PV đề nghị có thể trao đổi với ông Rược về giấy ủy quyền này được không? Ông Toản liền rút điện thoại ra gọi và hỏi ông Rược đang ở đâu?

Sau cuộc trao đổi với ông Rược, ông Toản cho biết, ông Rược bận đi ăn giỗ nên không có mặt tại trụ sở làm việc (thời điểm mà PV làm việc mới 9h sáng). PV liền hỏi: Liệu mấy giờ ông Rược về? ông Toản nói: "Cũng chưa biết"!

Là cán bộ công chức của xã, được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, vậy mà ngay trong giờ làm việc ông Rược lại không tới cơ quan vì lý do cá nhân, như vậy có đúng với quy định của pháp luật? Lạ hơn nữa, là người đứng đầu UBND xã, ông Toản lại không quản lý được cán bộ cấp dưới, để họ tự tác “tung hoành”, liệu rằng với cương vị của một vị chủ tịch, ông Toản đã làm tròn trách nhiệm hay chưa?

Buổi chiều cùng ngày, PV có gọi điện lại để hỏi ông Toản về việc ông Rược đi làm chưa thì ông Toản cho biết, ông Rược nghỉ cả ngày vì tục lệ địa phương khi có đám giỗ là như vậy (!?).

Chỉ đến khi PV làm việc với Chánh Văn phòng UBND huyện Hải Hậu, thì ông Toản mới “hấp tấp” gọi điện lại cho PV và phân trần rằng "ông Rược đã xin phép, nhưng chỉ xin phép bằng miệng mà không có bất cứ giấy tờ xin phép nào được trình lên". Phải chăng, việc làm của lãnh đạo xã Hải Trung đang “cố tình lấp liếm” cho cấp dưới đang vi phạm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ?

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bảo chỉ đạo yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương theo Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhu cầu giao dịch của nhân dân.

Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ, không tổ chức liên hoan ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.

Xã Hải Trung (Hải Hậu, Nam Định): Một gia đình chính sách bị “ăn chặn” tiền ưu đãi - Hình 3

Quyết định về việc kỷ luật ông Phạm Văn Rược

Phải chăng, cán bộ phụ trách lao động - thương binh và xã hội xã Hải Trung, cũng như ông Chủ tịch UBND xã đang cố tình phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong khi ông Phạm Văn Rược vẫn đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật?

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Cao Huyền – Quang Nam