Xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của Nam Định
Ông Phạm Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Giao Phong cho biết, năm 2011, địa phương bắt đầu bắt tay vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Thời điểm đó, địa phương mới chỉ có 7 tiêu chí đạt, các tiêu chí còn lại vẫn dở dang.
Với phương châm “làm đến đâu, chắc đến đó”, Giao Phong từng bước tháo gỡ những khó khăn, hoàn thiện dần các tiêu chí chưa đạt. Nhờ vậy, chỉ sau 4 năm tham gia Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, Giao Phong đã cán đích xã nông thôn mới.
Sau khi về đích nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Giao Phong tiếp tục tập trung, nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Theo ông Sơn, năm 2018, địa phương tiếp tục được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Giao Thủy tin tưởng, lựa chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2018 – 2020.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị quan trọng này, lãnh đạo địa phương đã ngồi lại với nhau để định hướng đường đi, ban hành Nghị quyết chuyên đề, kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao.
“Địa phương coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và lâu dài, nhằm huy động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia. Chỉ sau một thời gian ngắn, địa phương cũng đã về đích nông thôn mới nâng cao”, ông Sơn nói.
Xác định xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, xã Giao Phong tiếp tục duy trì, từng bước nâng cao các tiêu chí để hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025 và phân công cán bộ, công chức các ngành phụ trách các tiêu chí trực tiếp làm hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022.
“Phát huy những kết quả đã đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, địa phương tiếp tục dốc sức triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2022, xã Giao Phong vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước và Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định”, ông Sơn bộc bạch.
Như vậy, xã Giao Phong đã trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Nam Định với lĩnh vực nổi trội là giáo dục.
Hướng tới xã nông thôn mới thông minh
Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xã Giao Phong đã chứng minh được năng lực với sự quyết tâm cao để giành nhiều kết quả đáng mừng, được các bộ, ban, ngành, UBND tỉnh Nam Định tin tưởng và giao nhiệm vụ mới. Đây là niềm vinh dự đáng tự hào song cũng đầy thử thách.
Theo đó, tháng 3/2023, xã Giao Phong được Bộ Nông nghiệp - PTNT chọn thí điểm xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh. Thời gian thực hiện thí điểm mô hình xã NTM thông minh đến hết năm 2025.
Do là mô hình điểm, còn mới mẻ nên xã Giao Phong gặp rất nhiều khó khăn, áp lực trong quá trình triển khai thực hiện xã nông thôn mới thông minh. Công việc nhiều, nhưng thời gian thực hiện lại ngắn.
Ông Phạm Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Giao Phong thừa nhận, trong quá trình triển khai xây dựng xã nông thôn mới thông minh, địa phương gặp rất nhiều khó khăn, thử thách…
Theo tìm hiểu của Phóng viên, ngày 18/3/2024, UBND tỉnh Nam Định đã có quyết định số 518/QĐ-UBND phê duyệt đề xuất mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh xã Giao Phong, huyện Giao Thủy.
Mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh Giao Phong được thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 do UBND xã Giao Phong là chủ mô hình lập hồ sơ đề xuất mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh. Cơ quan phối hợp gồm UBND huyện Giao Thuỷ; Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định và huyện Giao Thủy, các đơn vị có liên quan.
Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 11 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 5,5 tỷ đồng; ngân sách huyện 1 tỷ đồng; ngân sách xã và huy động nguồn vốn hợp pháp khác 4,5 tỷ đồng. Ngoài ra từ nguồn vốn khác.
Để xây dựng thành công mô hình xã nông thôn mới thông minh Giao Phong, UBND tỉnh Nam Định giao Sở Nông nghiệp - PTNT, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính cùng phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Giao Thuỷ, xã Giao Phong tổ chức thực hiện mô hình.
UBND tỉnh Nam Định cũng giao UBND huyện Giao Thuỷ chỉ đạo UBND xã Giao Phong xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện mô hình đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quy định.
Giao UBND xã Giao Phong xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện mô hình đảm bảo đúng tiến độ, đạt kết quả như dự kiến và tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật.
Cung cấp thông tin, tuyên truyền, vận động người dân và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tích cực tham gia xây dựng mô hình; cân đối bố trí nguồn vốn đối ứng từ ngân sách xã, huy động xã hội hóa từ đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn và người dân tham gia xây dựng mô hình.
Xã Giao Phong phấn đấu đến năm 2025 thực hiện thành công nội dung các tiêu chí, xây dựng thành công xã nông thôn mới thông minh Giao Phong đảm bảo 3 trụ cột “Chính quyền số”, “Kinh tế số” và “Xã hội số”.
PV