Xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, Nam Định từng ngày phát triển thay da đổi thịt
Xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, Nam Định từng ngày phát triển thay da đổi thịt

Mô hình thí điểm xã Giao Phong là xã nông thôn mới thông minh được thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025, do UBND xã Giao Phong đề xuất. Kinh phí thực hiện mô hình là 11 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 5,5 tỷ đồng, ngân sách huyện 01 tỷ đồng, ngân sách xã và huy động nguồn vốn hợp pháp khác là 4,5 tỷ đồng.

Quyết định phê duyệt mô hình được UBND tỉnh Nam Định ban hành trong bối cảnh xã Giao Phong đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (năm 2022) - là xã đầu tiên của tỉnh Nam Định đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Mô hình đặt mục tiêu xây dựng xã Giao Phong thành xã nông thôn mới thông minh, hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt đời sống xã hội, thông qua việc cải thiện hạ tầng, mạng lưới viễn thông, tăng cường các ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực sức khỏe và giáo dục; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ công và công tác hỗ trợ điều hành của chính quyền, góp phần thúc đẩy kinh tế, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, sâu rộng, nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Nhà Văn hóa xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, Nam Định
Nhà Văn hóa xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, Nam Định được đầu tư xây dựng khang trang

Phấn đấu đến năm 2025, xã Giao Phong thực hiện thành công nội dung các tiêu chí xây dựng thành công xã nông thôn mới thông minh, đảm bảo 3 trụ cột là “Chính quyền số”, “Kinh tế số” và “Xã hội số”.

Tính đến nay, xã Giao Phong cơ bản đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu của 6/18 nội dung theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (xây dựng chính quyền điện tử định hướng chính quyền số, hạ tầng số, dịch vụ nông thôn số, kinh tế nông thôn, đảm bảo an ninh trật tự).

Phạm Thịnh