Tham gia đoàn kiểm tra có lãnh đạo và chuyên viên của Chi cục, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục & Đào tạo, Phòng Y tế các huyện.

Tổng số trường học có bếp ăn bán trú được kiểm tra: 20 trường, gồm: 14 trường mầm non, 01 nhóm trẻ tư thục, 05 trường tiểu học. Các trường mầm non đều tự tổ chức nuôi ăn bán trú tại trường, đối với các trường tiểu học tổ chức ăn bán trú theo hình thức thuê đơn vị cung cấp suất ăn thực hiện nấu ăn tại chỗ hoặc mua suất ăn.

Qua quá trình kiểm tra, Đoàn ghi nhận ý thức chấp hành, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên nấu ăn trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các nhà trường: Về hồ sơ pháp lý lĩnh vực an toàn thực phẩm đáp ứng theo quy định. Khu vực bếp nấu đã sắp xếp bố trí thiết kế theo nguyên tắc 01 chiều từ khâu nhập nguyên liệu đến khâu sơ chế, chế biến và chia thức ăn. Bếp được vệ sinh thường xuyên.

Tất cả bếp ăn bán trú các trường có đầy đủ dụng cụ và trang thiết bị phục vụ chế biến, nấu nướng, ăn uống, sử dụng bằng các vật liệu dễ làm vệ sinh. Về nguyên liệu thực phẩm sử dụng có hồ sơ chứng minh nguồn gốc.

Với các trường mầm non, thực hiện ký hợp đồng các công ty cung cấp thực phẩm, các công ty này có hồ sơ năng lực đủ điều kiện cung cấp thực phẩm; hoặc ký hợp đồng với cơ sở cung cấp thực phẩm tại địa phương. Với các trường tiểu học chủ yếu là ký với đơn vị cung cấp suất ăn. Các trường đều ghi chép sổ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định, thực hiện lưu mẫu thức ăn hàng ngày, đủ số lượng và dán tem niêm phong.

Kiểm tra bếp chế biến tại trường mầm non
Kiểm tra bếp chế biến tại trường mầm non

Đoàn cũng ghi nhận một số bất cập trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các: Đối với cấp học mầm non, nhân viên nuôi dưỡng đều là lao động hợp đồng ngắn hạn không thực sự yên tâm công tác. Cơ sở vật chất của nhà trường chủ yếu do kinh phí địa phương hỗ trợ nên nhiều trường còn gặp khó khăn.

Từ thực tế đó, Đoàn kiểm tra có một số đề xuất, kiến nghị: đối với UBND các cấp tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng tường kiểm tra giám sát công tác nuôi ăn bán trú cũng như quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất cho các trường trên địa bàn quản lý. Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, đề nghị ngành nghiên cứu đề xuất tham mưu với cơ quan cấp trên bổ sung thêm biên chế cho ngành đặc biệt là cán bộ y tế, cán bộ dinh dưỡng trong các trường học.

Trước đó, trong tháng 8/2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định đã phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo, Phòng Giáo dục đào tạo tổ chức tập huấn kiến thức cho 2.450 cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường Mầm non, tiểu học, Trung học cơ sở, trường khuyết tật… công lập và ngoài công lập trên địa bàn 9 huyện của tỉnh Nam Định.

Thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục triển khai kiểm tra, tuyên truyền nhằm tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn tỉnh.

Minh Anh