Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật

Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có khoảng 2.500 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, gần 50 doanh nghiệp mở đại lý cung ứng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi và cây, con giống.

Những năm gần đây, thị trường vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động về giá bán, khiến người sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do đó, đã tạo cơ hội để nhiều tiểu thương lợi dụng tăng giá bán, hoặc có hành vi gian lận thương mại - trà trộn sản phẩm không đảm bảo chất lượng bán cho khách hàng, nhằm trục lợi bất chính.

Trước diễn biến đó, Ban Chỉ đạo 389 Nam Định đã chỉ đạo các ngành thành viên trong ban chỉ đạo tăng cường phối hợp, thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhằm ngăn chặn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi cho nông dân.

Mới đây, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn;

Công an tỉnh chỉ đạo, bố trí lực lượng chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp là hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; 

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các đơn vị liên quan tích cực vận động các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ký cam kết không sản xuất, kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng.

Đại diện Cục Quản lý thị trường Nam Định cho biết: Trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều sai phạm về kinh doanh vật tư nông nghiệp như: Các đối tượng lợi dụng hàng khan hiếm để nâng giá bán; cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, người bán hàng không sử dụng bảo hộ lao động theo quy định; bảo quản hàng hóa không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa; không có hóa đơn bán hàng, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; vi phạm quy định về nhãn mác hàng hóa và kinh doanh sản phẩm ngoài danh mục, hàng hóa quá hạn sử dụng; kết hợp kinh doanh vật tư nông nghiệp với lương thực, thực phẩm, đồ ăn nhanh...

Ban Chỉ đạo 389 Nam Định đề nghị các ngành thành viên trong Ban chỉ đạo tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những tập thể, cá nhân có dấu hiệu vi phạm; kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm, đặc biệt là đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái và sản phẩm không đảm bảo chất lượng như công bố. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên mua vật tư nông nghiệp tại các cửa hàng có uy tín, bảo dảm chất lượng, tránh những rủi ro, thiệt hại không đáng có.

Nguyễn Kiên