Báo cáo của UBND tỉnh Nam Định thể hiện, 4 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định, phát triển. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng trưởng khá so cùng kỳ. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,27%, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 13,4%, tổng giá trị hàng xuất khẩu tăng 14%, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng 36% so cùng kỳ…
Sản xuất nông nghiệp ổn định; công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tiếp tục được quan tâm triển khai. Tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ trình Ban Chỉ đạo Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Giao Thủy đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông được tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công. Công tác thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được triển khai tích cực. Tỉnh đã hoàn thành hồ sơ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 5/5/2024 công nhận thành phố Nam Định (dự kiến mở rộng địa giới hành chính) đạt tiêu chí đô thị loại II.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo. Tỉnh thực hiện tốt các hoạt động tôn vinh, tri ân các Anh hùng Liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin, tuyên truyền, chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 49 năm ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và 138 năm ngày quốc tế Lao động 1/5 diễn ra sôi nổi - tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân...
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Phạm Đình Nghị yêu cầu: Các ngành chức năng, các địa phương cần tập trung khắc phục các bất cập, tồn tại bao gồm: Thu ngân sách Nhà nước từ đấu giá quyền sử dụng đất còn rất thấp; sức hấp thụ kinh tế thấp so với tốc độ tăng trưởng kinh tế; tiến độ giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm còn chậm; một số đơn vị chưa đạt yêu cầu đặt ra trong công tác cải cách hành chính; tình hình khiếu nại, tố cáo một số nơi còn phức tạp, chưa được giải quyết ngay từ cơ sở; tai nạn giao thông tăng so cùng kỳ.
Các sở, ngành, địa phương phải bám sát lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ; chủ động tham mưu thực hiện nhiệm vụ, không chờ lãnh đạo tỉnh giao việc; đảm bảo chấp hành, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ UBND tỉnh giao; chú trọng rà soát lại, tập trung trình HĐND tỉnh các đề án liên quan đến nhiệm vụ thực thi của sở, ngành mình; đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Các sở, ngành, địa phương làm tốt công tác quy hoạch, chú trọng rà soát lại quy hoạch ngành, địa phương kịp thời điều chỉnh, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tỉnh; rà soát Quy hoạch tỉnh với Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng để hoàn thiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng. Chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trong và ngoài ngân sách. Tích cực đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp, nhất là Khu công nghiệp Hải Long. Khẩn trương hoàn tất danh mục dự án các công trình đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất. Rà soát sắp xếp nhà đất, quản lý tài sản công sau sắp xếp các đơn vị hành chính. Duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, y tế; chú trọng tổ chức hiệu quả các kỳ thi chuyển cấp, bảo đảm an toàn thực phẩm, thúc đẩy quảng bá, phát triển kinh tế du lịch…
Nguyễn Kiên