Cô và trò Trường THCS Nghĩa Hưng, thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng- Nam Định) trong một giờ học.
Chủ đề của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm nay là “Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số” nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức về ý nghĩa vai trò của năng lực tự học trong kỷ nguyên số; đặc biệt là yêu cầu xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số góp phần triển khai thành công phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.
Công nghệ số phát triển đã và đang góp phần thu hẹp dần khoảng cách học tập của mọi người dân ở khắp nơi, nhất là đối với người lớn ở nông thôn của tỉnh, qua đây không chỉ tạo cơ hội cho trẻ em, mà còn có cả người lớn được học tập, trau dồi, tích lũy kiến thức phục vụ lao động sản xuất, cuộc sống.
Sau Tết Nguyên đán 2023, con gái chị Tuyết Hoa ở đường Trần Thánh Tông- Nam Định xin mẹ mua một chiếc smartphone từ số tiền mừng tuổi để học thêm tiếng Anh. Ban đầu chị Hoa không đồng ý bởi cho rằng ở lứa tuổi của con dùng điện thoại kết nối internet chỉ thỏa mãn nhu cầu sử dụng mạng xã hội.
Tuy nhiên, hàng ngày vào khung giờ nhất định chị đều thấy con mượn điện thoại vào ứng dụng tự học tiếng Anh với sự háo hức và nghiêm túc nên sau khi tham khảo ý kiến từ các thành viên trong gia đình đã mua cho con chiếc ipad để tìm hiểu, học tập.
Sau một thời gian, thấy con khoe kết quả các bài thi tiếng Anh trong các bài kiểm tra qua mạng, lại luôn trong tốp đầu của chương trình tự học tiếng Anh Duolingo đang thịnh hành với hàng nghìn người học trên thế giới, chị mới thấy đây là quyết định đúng đắn, bởi ngoài đáp ứng nhu cầu học tập, qua điện thoại thông minh còn giúp con dễ dàng tiếp cận với các kiến thức trong thời đại công nghệ số.
Chị Hoa tâm sự:
“Nếu trước đây, việc học tập của con tôi chủ yếu được tiếp cận qua sách, vở, thì nay con có thể tận dụng thời gian rảnh để lên mạng tìm các tài liệu học tập cần thiết, ứng dụng bổ ích, hứng thú với các bài học. Qua trao đổi với cô giáo bộ môn tôi được biết kết quả học tập của con có sự tiến bộ rõ rệt”.
Từ nhiều năm qua, với suy nghĩ phải tiếp thu cái hay, cái mới để theo kịp thời đại, bắt kịp thị trường, người dân làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực- Nam Định) đã nhanh nhạy trong chuyển đổi, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây trồng qua mạng internet và phát triển bán hàng công nghệ trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube…
Hiệu quả của việc kinh doanh qua mạng đã giúp các nhà vườn, người làm cây cảnh duy trì kết nối với nhiều khách hàng hiện tại và cả các khách hàng tiềm năng mới mà họ chưa hề gặp mặt; dễ dàng nhắn tin trao đổi với khách hàng mà không tốn chi phí…
Gần 100% hộ dân trong làng nghề đều áp dụng hình thức bán hàng qua mạng và kinh doanh hiệu quả hơn nhờ giới thiệu thông tin sản phẩm trên mạng xã hội. Vừa qua, hơn 40 hộ dân trong làng nghề Vị Khê đã có một bước tiến quan trọng hơn, đó là học tập để áp dụng việc “số hóa” thông tin làng nghề một cách bài bản.
Đến nay, hơn 10 dòng sản phẩm độc đáo: cây cảnh công trình, cây bonsai, cây lá màu, lan, tùng, sanh, si, trà... của làng nghề đã chuyển đổi, số hóa thông tin sản phẩm thông qua hình ảnh, video và nhiều công cụ hỗ trợ khác để quảng bá sản phẩm, minh bạch thông tin, thậm chí là chốt hợp đồng, thanh toán trực tuyến, tiết giảm tối đa thời gian, chi phí cho đối tác.
Phát huy vai trò của hệ thống thư viện trong thời đại 4.0, thời gian qua Thư viện tỉnh Nam Định đã phối hợp với các đơn vị tổ chức triển lãm, trưng bày sách, báo trên nền tảng công nghệ số; tập trung khai thác hiệu quả Trang thông tin điện tử thuviennamdinh.vn thông qua việc thường xuyên giới thiệu sách, báo, tạp chí; cập nhật các hoạt động của thư viện giúp người đọc nắm bắt kịp thời thông tin về nguồn tài liệu mới bổ sung; đồng thời tra cứu thông tin cơ sở dữ liệu của thư viện trên hệ thống máy tính nối mạng internet.
Hàng năm, Thư viện tỉnh thường xuyên cử cán bộ xuống thư viện các huyện, thành phố, tủ sách cơ sở hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thư viện, hỗ trợ cài đặt phần mềm thư viện và xử lý vốn tài liệu, cách thức tổ chức kho sách phù hợp… góp phần làm phong phú nguồn tài nguyên thông tin, phục vụ tốt hơn nhu cầu đọc của người dân.
Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, công tác chuyển đổi số là một trong những ưu tiên quan trọng khi triển khai các hoạt động giáo dục. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giảng dạy và học tập đã và đang được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tích cực triển khai nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tại các nhà trường một cách linh hoạt, chủ động.
Đối với Hội Khuyến học, phát huy sứ mệnh khuyến học trong thời đại số, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã thường xuyên tuyên truyền, vận động, khuyến khích cán bộ, hội viên khai thác và sử dụng thông tin trên mạng internet, phục vụ cho học tập, lao động và cuộc sống hàng ngày, từ đó nhiều mô hình học tập được hình thành, phát triển.
Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 450 nghìn gia đình đăng ký gia đình học tập, trong đó có 66% gia đình được công nhận. Hơn 4.600 dòng họ đăng ký mô hình dòng họ học tập và đã có 75,8% dòng họ được công nhận. 74% trong số hơn 3.500 thôn, làng, tổ dân phố đăng ký cộng đồng học tập đã được công nhận.
Tỉnh cũng thực hiện tốt việc xây dựng, phát triển các phong trào “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” ở thôn, làng, tổ dân phố nhằm thực hiện tốt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, khu phố và cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao nhận thức về đời sống xã hội, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, chất lượng cuộc sống được nâng lên, an ninh trật tự ở địa phương được giữ vững, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
Theo Báo Nam Định