Hôm qua (8/6), tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng tình trạng mua bán người đang ngày càng biến tướng với nhiều hành vi, thủ đoạn khó lường.
Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Phòng, chống mua bán người.
Đi vào nội dung cụ thể, bà Trang cho rằng, để đảm bảo đầy đủ quyền của nạn nhân bị mua bán, Luật cần quy định cụ thể về cơ sở chuyên biệt để hỗ trợ nạn nhân của mua bán người, dành cho nam giới và phụ nữ.
Cần có những quy định cụ thể về việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu giới, quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nạn nhân cũng như người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Theo đại biểu, thực tế hiện nay cho thấy vẫn còn nhiều khoảng trống trong việc đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ giữa nạn nhân nam và nạn nhân nữ.
Nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp nhận hỗ trợ thường chuyển đến các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc trung tâm công tác xã hội. Ngoài ra, còn được tiếp nhận, hỗ trợ ở các cơ sở địa chỉ mô hình do tổ chức quốc tế hỗ trợ hoặc sự chủ động của các cơ quan đơn vị, địa phương…
Bà Trang cho hay hầu hết các cơ sở bảo trợ xã hội này không có khu vực để trợ giúp nạn nhân mua bán người chuyên biệt mà thường lồng ghép chung với nhóm đối tượng khác. Điều này tạo ra những bất cập trong cân đối các khoản chi phí, phiên dịch cho nạn nhân người nước ngoài hay nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận cũng như lấy lời khai, hỗ trợ lưu trú…
Mặt khác, các dịch vụ hỗ trợ hiện nay thường chú trọng đến cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân là nữ, trong khi những nhóm nguy cơ khác như nam công nhân, thanh thiếu niên... thường ít có hỗ trợ chuyên biệt.
"Nhu cầu, quyền lợi chính đáng của nạn nhân nam và các đối tượng đặc thù khác dường như đang bỏ ngỏ" - đại biểu Trang đánh giá và thông tin qua nghiên cứu từ năm 2022 đến nay, nạn nhân là nam có xu hướng gia tăng, chủ yếu bị mua bán nhằm thực hiện vào mục đích bóc lột sức lao động.
Bà cũng đề xuất bổ sung thêm một điều riêng trong dự thảo luật quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đoàn trong tham gia phòng ngừa mua bán người. Bởi theo bà, độ tuổi bị mua bán người thường ở nhóm tuổi trẻ, có thanh thiếu niên nên việc tham gia, vai trò trách nhiệm của tổ chức đoàn là rất cần thiết.
Liên quan đến công tác tuyên truyền, đại biểu đoàn Vĩnh Long cơ bản thống nhất với các quy định của dự thảo Luật...
“Hiện, phổ biến vẫn là lừa tìm việc làm theo hình thức việc nhẹ lương cao, môi giới lấy chồng nước ngoài, mua bán nội tạng, mua bán trẻ em… Đây là những nguyên nhân khiến cho một bộ phận phụ nữ, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người”, bà Nguyễn Thị Minh Trang nói.
Theo plo.vn